Bài viết no està disponible temporalment.
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

485 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 1408

  • Tổng 3.316.187

Kết hợp xây dựng lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang - nhân tố quan trọng quyết định thành công trong cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Quảng Bình

Font size : A- A A+

Một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh to lớn quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đó là Đảng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp đúng đắn giữa xây dựng lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang. Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, để chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám, các tổ chức cơ sở đảng ở Quảng Bình đã chú trọng xây dựng và tổ chức lực lượng chính trị kết hợp với lực lượng vũ trang để khi thời cơ đến phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Xây dựng lực lượng chính trị

Nhận thức rõ vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng, ngay sau khi thành lập, các chi bộ Đảng ở Quảng Bình đã tập trung tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, tập hợp các lực lượng yêu nước tham gia phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh. Trải qua các phong trào cách mạng trong những năm 1930 - 1939, các tổ chức cơ sở đảng đã lựa chọn hình thức tổ chức thích hợp, vừa tổ chức quần chúng vào những hội cứu quốc theo từng giới, từng ngành, vừa đưa quần chúng ra tập dượt trong các cuộc đấu tranh. Nhiều hình thức hội được hình thành và phát triển rộng khắp ở các địa phương trong toàn tỉnh, như: “Nông hội đỏ”, “Cứu tế đỏ”, “Hội đưa đám”, “Hội lợp nhà”, “Hội chống xôi thịt” (chống cường hào), “Hội tương tế” (chủ yếu là phu xe, có sự tham gia của một vài nhân viên nhà thương Đồng Hới)… và được các cơ sở đảng tổ chức tham gia trong các cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, bất hợp pháp… tùy theo tình hình cách mạng trong từng giai đoạn. Qua đó, góp phần giữ vững phong trào cách mạng trong tỉnh trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, đồng thời chuẩn bị được lực lượng chính trị để tiến dần lên khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Từ tháng 3 năm 1942, sau khi tiếp thu được tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, phong trào cách mạng ở Quảng Bình có những chuyển biến tích cực. Hệ thống tổ chức cơ sở đảng được củng cố, phát triển, các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh được xây dựng ở các huyện, thị, quần chúng nhân dân đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, trì hoãn nộp sưu thuế, đòi bãi bỏ những thứ thuế vô lý. Đặc biệt, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ngày 02/7/1945, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ, Hội nghị cán bộ Đảng trong toàn tỉnh Quảng Bình được triệu tập tại chùa An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Hội nghị tiếp thu nội dung chuẩn bị khởi nghĩa của Trung ương Đảng và nhất trí chủ trương: “Củng cố tổ chức đảng ở những nơi đã có, mở rộng và phát triển Đảng vào các vùng trọng yếu, nhất là thị xã Đồng Hới, vùng nông thôn, trong tầng lớp công nhân; thống nhất lực lượng Việt Minh trong toàn tỉnh; chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sắp nổ ra”[1]. Hội nghị nhất trí cử ra Ban vận động thống nhất Đảng bộ gồm 3 đồng chí do đồng chí Đoàn Khuê làm Trưởng ban và ra lời kêu gọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đoàn kết nhất trí, thống nhất hành động, đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước[2]. Tiếp đó, ngày 04/7/1945, tại trại sản xuất An Sinh (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy), Hội nghị Việt Minh toàn tỉnh được triệu tập để bàn bạc và nhất trí các chủ trương lớn và cấp bách cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị đã quyết định: “Thống nhất lực lượng Việt Minh trong toàn tỉnh, lấy bí danh là “Việt Minh Cô Tám”, củng cố Ban chấp hành Việt Minh các huyện, thị; phát triển mạnh các đoàn thể cứu quốc: Thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, phụ lão cứu quốc, công thương gia cứu quốc…”[3]. Cùng với việc thành lập Ban vận động thống nhất Đảng, việc ra đời của Tỉnh bộ Việt Minh là bước phát triển mới của phong trào cách mạng Quảng Bình, là điều kiện quan trọng để tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, chuẩn bị, tổ chức lực lượng chính trị hùng hậu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Sau các hội nghị trên, phong trào cách mạng ở Quảng Bình có bước phát triển nhảy vọt chưa từng thấy. Ban chấp hành Việt Minh các phủ, huyện, thị xã, tổng, làng lần lượt ra đời. Hàng trăm cuộc mít tinh được tổ chức thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Các đội tuyên truyền xung phong bám cơ sở, đi sâu vào quần chúng, giải thích chủ trương đường lối của Việt Minh, kêu gọi nhân dân đứng lên chống Nhật cứu nước. Các cơ sở đảng được phục hồi và củng cố, các đoàn thể cứu quốc, như thanh niên, nông dân, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên, nhi đồng được phát triển khắp nơi. Tại thị xã Đồng Hới, các đồng chí đảng viên đã phân công nhau phụ trách xây dựng cơ sở, tuyên truyền, vận động trong từng giới như ngư dân, thợ thủ công, tiểu thương, công thương gia, tư sản, công chức và cả binh lính địch. Bên cạnh các giới cứu quốc, ở thị xã còn thành lập các tổ chức công thương cứu quốc, công chức cứu quốc và binh sĩ cứu quốc.

Xây dựng lực lượng vũ trang

Cùng với việc chú trọng xây dựng lực lượng chính trị, cũng tại Hội nghị Việt Minh toàn tỉnh ngày 04/7/1945 đã nêu chủ trương: “Tổ chức lực lượng tự vệ tập trung ở tỉnh, huyện, lập một số chiến khu và khu căn cứ cách mạng, mua sắm và rèn đúc một số vũ khí để trang bị cho lực lượng tự vệ”[4]. Từ đó, nhiều làng đã thành lập đội thị vệ cứu quốc; ở huyện, thị xã hình thành các đội tự vệ để làm nòng cốt cho quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Trung Thuần (Quảng Trạch) được xây dựng thành chiến khu, Võ Xá (Quảng Ninh) được xây dựng thành khu căn cứ. Thị xã Đồng Hới xây dựng khu căn cứ Bàu Rèng và tổ chức cho lực lượng tự vệ ra sân bay đào bới vũ khí của quân Pháp cất giấu khi Nhật đảo chính, lấy được 32 khẩu súng mút-cơ-tông. Tại chiến khu Trung Thuần, đội tự vệ gồm 40 chiến sĩ tích cực tập luyện quân sự, sẵn sàng xung kích hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Tại Võ Xá, Tỉnh bộ Việt Minh mở một số lớp huấn luyện cán bộ cho các phủ, huyện; thành lập đội nghĩa binh của tỉnh và thường xuyên luyện tập, một số tự vệ các phủ, huyện, thị cũng được gửi về Võ Xá dự các lớp huấn luyện.

Trước tình hình lung lay, rệu rã của địch, Tỉnh bộ Việt Minh chỉ đạo đẩy mạnh thuyết phục, kêu gọi lính khố xanh, khố đỏ rả ngũ quay về với cách mạng, giao nộp vũ khí chuyển về chiến khu Võ Xá. Ở những nơi có cơ sở cài cắm thì vận động tham gia làm nội ứng, cướp vũ khí và bức hàng, sau đó sử dụng những người đã giác ngộ thực sự làm lực lượng nòng cốt trong lực lượng vũ trang giành chính quyền. Khu căn cứ Võ Xá trong giai đoạn này thực sự là địa bàn đứng chân của Ban vận động thống nhất Đảng, Tỉnh bộ Việt Minh có vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị lực lượng vũ trang tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Kết hợp đấu tranh chính trị và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền

Đến đầu tháng 8/1945, tình thế cách mạng hết sức cấp bách, việc xúc tiến khởi nghĩa đặt ra khẩn trương. Tỉnh bộ Việt Minh quyết định dời cơ quan lãnh đạo của Tỉnh bộ từ Mỹ Thổ, Trung Lực (Lệ Thủy) về đóng tại thôn Võ Xá thuộc huyện Quảng Ninh, gần thị xã Đồng Hới để trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Ban lãnh đạo liên tiếp mở những lớp huấn luyện ngắn ngày để đào tạo cán bộ Mặt trận Việt Minh cho các cơ sở và huấn luyện hàng trăm cán bộ tuyên truyền xung phong. Đồng thời gấp rút tổ chức và huấn luyện lực lượng tự vệ vũ trang. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra sôi nổi ở khắp các địa bàn trong tỉnh.

Ngày 15/8, Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ cách mạng đã chín muồi. Ngày 17/8, sau khi nhận lệnh khởi nghĩa của Trung ương, Tỉnh bộ Việt Minh đã tổ chức hội nghị bàn kế hoạch và quyết định chọn ngày 23/8/1945 làm ngày khởi nghĩa chung cho toàn tỉnh và huy động lực lượng bao gồm các tầng lớp nhân dân, lấy lực lượng vũ trang và các đội tuyên truyền xung phong làm nòng cốt tiến hành khởi nghĩa. “Để hỗ trợ quần chúng trong ngày khởi nghĩa, ngày 21/8/1945, đơn vị tự vệ tập trung ở căn cứ Võ Xá được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh giao nhiệm vụ và phân về các huyện cùng với nhân dân khởi nghĩa. Một bộ phận nòng cốt còn lại tối ngày 22/8/1945 sẽ về thị xã Đồng Hới làm nhiệm vụ[5]”

Đúng như kế hoạch đã định, đêm 22/8 lệnh khởi nghĩa được truyền đi trong toàn tỉnh. Ở thị xã Đồng Hới, ngay trong đêm 22/8, các đội tự vệ đã bí mật đột nhập, bao vây các công sở, lùng bắt các tên tay sai ngoan cố. Mờ sáng ngày 23/8, lực lượng khởi nghĩa chỉnh tề cùng với vũ khí gậy gộc tràn vào các cửa thành, nhanh chóng tước vũ khí đồn lính bảo an. Từ hướng Nam, quần chúng cách mạng Quảng Ninh đi bộ và thuyền cũng kịp kéo về cùng nhân dân thị xã kết thành một lực lượng hùng hậu nhanh chóng chiếm lĩnh trụ sở, làm chủ tình hình thị xã. Đúng 8 giờ sáng ngày 23/8/1945, trước quần chúng cách mạng, Ủy ban cách mạng lâm thời tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai Nhật, xóa bỏ chế độ phong kiến và thành lập chính quyền cách mạng.

Cũng trong đêm 22 rạng sáng ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra và thắng lợi ở các phủ lỵ, huyện lỵ Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Đa số Ủy ban khởi nghĩa các phủ, huyện lập tức chuyển thành Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt nhân dân ngay sau khi chiếm xong phủ lỵ, huyện lỵ. Riêng huyện Tuyên Hóa, ngày 25/8/1945, tỉnh cử cán bộ lên cùng với Mặt trận Việt Minh huyện tổ chức mít tinh tuyên bố giải tán ngụy quyền cấp huyện, thành lập chính quyền cách mạng.

Sau khi giành chính quyền ở tỉnh, phủ và các huyện, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời chủ trương giải quyết hệ thống chính quyền cơ sở (tổng, xã, làng). Khởi nghĩa giành chính quyền ở tổng, xã, làng chủ yếu dưới hình thức Mặt trận Việt Minh tập hợp quần chúng, tổ chức mít tinh, chánh phó tổng, hương lý mang triện đồng, sổ sách ra nộp, nhận tội trước nhân dân rồi tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Đến ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, tổng, xã được thiết lập.

Có thể thấy, trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Bình năm 1945, việc xây dựng và tổ chức lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền có vai trò hết sức quan trọng. Đó là cả quá trình chuẩn bị lâu dài và tập dượt đấu tranh liên tục qua các phong trào cách mạng từ năm 1930 - 1945; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương của Đảng về bạo lực cách mạng vào điều kiện cụ thể của tỉnh để tuyên truyền, vận động, tập hợp, giác ngộ quần chúng tham gia phong trào cách mạng, tổ chức cho quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, từ đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Trong cả quá trình xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, các tổ chức cơ sở đảng đã chủ trương lấy xây dựng lực lượng chính trị làm cơ sở để từ đó xây dựng lực lượng vũ trang, coi trọng đấu tranh chính trị hơn đấu tranh vũ trang. Điều này đã đảm bảo tuân thủ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đồng thời cũng bám sát vào điều kiện, tình hình cụ thể của phong trào cách mạng các địa phương trong tỉnh và đã được kiểm nghiệm sự đúng đắn, sáng tạo qua thực tiễn của cuộc khởi nghĩa. Đó là, trong khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Đồng Hới và các phủ lỵ, huyện lỵ, bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân được biểu hiện dưới hình thức biểu tình chính trị là chủ yếu và quyết định thắng lợi. Lực lượng tự vệ vũ trang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tinh thần đấu tranh của nhân dân, thị uy và làm áp lực mạnh mẽ cho Ủy ban khởi nghĩa tiến hành thuyết phục và bắt buộc chính quyền tay sai trao lại chính quyền cho nhân dân. Đây cũng là điểm chung về phương thức khởi nghĩa trong cách mạng Tháng Tám ở Quảng Bình và nhiều tỉnh, thành của cả nước, đó là: “kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, trong đó lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, lực lượng vũ trang đóng vai trò xung kích hỗ trợ”[6].

Với việc xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo trong xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp linh hoạt đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, các tổ chức cơ sở đảng ở Quảng Bình đã lãnh đạo, tập hợp quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh nhất tề đứng lên khởi nghĩa nhanh gọn, không đổ máu và giành thắng lợi triệt để. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám là bước ngoặt quan trọng đưa Quảng Bình cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

GT 

More