Bài viết tạm thời không có.
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

483 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 127

  • Tổng 3.060.296

Chương VII

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHƯƠNG VII
THANH NIÊN MIỀN BẮC THAM GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI

Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng hậu quả của chiến tranh và chế độ chiếm đóng của thực dân Pháp để lại cho nhân dân ta hết sức nghiêm trọng: 14 vạn hecta ruộng đất bị hoang hóa, những công trình thủy lợi quan trọng nhất bị tàn phá, hơn 10 vạn trâu bò bị giết, gần 1 triệu đồng bào không có nhà ở và việc làm, thương nghiệp bị đình đốn. Chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã ảnh hưởng nguy hại đến trình độ văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật,v.v... của nhân dân. Bệnh sốt rét, đau mắt hột, ho lao,v.v... là những căn bệnh hoành hành ở nhiều vùng. Nạn đói, nạn thất nghiệp, gái mại dâm và các tệ nạn xã hội khác phổ biến ở các vùng bị tạm chiếm cũ. Trong khi đó kẻ thù của chúng ta tuy đã thất bại thảm hại trên mặt trận quân sự nhưng vẫn chưa từ bỏ dã tâm thôn tính nước ta một lần nữa. Chúng dùng mọi âm mưu thâm độc để phá hoại miền Bắc. Bằng thủ đoạn lừa gạt, đe dọa và cưỡng ép những người đã tham gia ngụy quân, ngụy quyền, đồng bào theo đạo Thiên chúa, một số người trong giai cấp tư sản, nhân viên và công nhân kỹ thuật di cư vào Nam hòng gây rối loạn xã hội cho miền Bắc, tạo cho bọn ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam có thêm chỗ dựa về chính trị, xã hội và nguồn dự trữ quân số. Chúng đã cung cấp tiền của, phương tiện cho bọn phản động gây ra những vụ phá rối trật tự trị an như ở Bùi Chu (Nam Định), Phát Diệm (Ninh Bình), Ba Làng (Thanh Hóa), Lưu Mỹ (Nghệ An),v.v... Chúng còn xúi giục và khuyến khích bọn phản động và thổ phỉ nổi dậy hoạt động phá hoại ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Trước khi rút quân ra khỏi các vùng chiếm đóng, chúng đã tháo dỡ mang đi hoặc phá hoại hàng nghìn tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất, nguyên vật liệu,v.v... nhằm gây khó khăn trong sản xuất và hoạt động kinh tế ở miền Bắc.

Nhận rõ vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ và của tổ chức Đoàn, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới, hàng chục vạn cán bộ, đoàn viên và thanh niên miền Bắc đã hăng hái đi dầu thực hiện các nhiệm vụ trung tâm về kinh tế, xã hội.

Tổ chức Đoàn các cấp đã tuyển lựa nhiều cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở các vùng tự do nhât là trong lực lượng thanh niên xung phong bổ sung vào các đội hành chính tiếp quản các thành phố, thị xã và các vùng bị địch tạm chiếm. Trung ương Đoàn trực tiếp cử 300 cán bộ, đoàn viên và đoàn viên thanh niên xung phong vào tiếp quản thủ đô Hà Nội. Với tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ đoàn viên và thanh niên chúng ta đã xuống tận các xí nghiệp, bến cảng, nhà ga, kho tàng,v.v... mà địch đang chiếm giữ, phối hợp với thanh niên và công nhân tại chỗ đấu tranh buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh những điều khoản mà các bên đã ký kết trong Hiệp định Giơnevơ, không được tháo dỡ, phá hoại và vận chuyển máy móc thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật khác để giữ vững sản xuất. Riêng thanh niên công nhân Hà Nội đã cất giữ được hơn 15 tấn máy móc thiết bị, 33 xe ô tô và đã buộc địch chuyển từ Hải Phòng trả lại hàng chục tấn máy móc, 4 đầu máy xe lửa. Đêm 20 tháng 9 năm 1954, đội tự vệ thanh niên ga Hàng Cỏ gồm 44 người dã kịp thời phát hiện chủ ga cho tháo gỡ máy móc để chuyển xuống Phải Phòng. Anh chị em đã ngăn chặn được hành vi đó của địch. Thanh niên tự vệ Nhà máy xe lửa Gia Lâm gồm 33 người đã phân công canh gác ngày đêm, bảo vệ nhà xưởng máy móc, nguyên vật liệu, kiên quyết chống mọi hình thức phá hoại của địch, chống cưỡng ép công nhân di cư vào Nam, giữ vững sản xuất. Thanh niên tự vệ Nhà máy xe lửa Gia Lâm còn phân công đội viên treo cờ, biểu ngữ, cổ vũ nhân dân các vùng chung quanh đấu tranh chống lại hành động vi phạm Hiệp định Giơnevơ của địch. Thanh niên tự vệ Nhà máy điện Yên Phụ kiên quyết đấu tranh giữ lại 400 tấn than và toàn bộ tài liệu, máy móc. Cuộc đấu tranh ở Sở bưu điện và Nhà máy Đèn Bờ Hồ diễn ra hết sức quyết liệt. Pháp cho lính lê dương và bảo chính đoàn đến uy hiếp công nhân, tháo dỡ máy móc, cướp giật tài liệu. Tự vệ và thanh niên, công nhân kiên cường bao vây, gây áp lực buộc địch phải rút lui. ở nhà thương Bạch Mai, Phủ Doãn, Trường Đại Học Y - Dược, thanh niên tự vệ, y tá, bác sỹ, sinh viên, thầy giáo kiên quyết đấu tranh không cho địch cướp y cụ, thuốc men tài liệu. Đoàn viên, thanh niên xung kích ngoại thành đã cùng với nhân dân kiên quyết chống địch phá hoại, cướp bóc bảo vệ mùa màng, cầu cống, mương máng dẫn nước, chống địch bắt thanh niên vào Nam đi lính.

Nam Định, Ninh Bình là 2 tỉnh bị địch chiếm đóng sâu, lại là vùng có nhiều đồng bào theo đạo Thiên chúa; trình độ nhận thức của bà con có hạn. Do đó, kẻ thù tập trung khai thác để tuyên truyền, lừa bịp, cưỡng ép đồng bào, nhất là giáo dân di cư vào Nam. Trước tình hình ấy, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các cấp bộ Đoàn ở Nam Định và Ninh Bình đã dồn phần lớn lực lượng cán bộ Đoàn các cấp thâm nhập xuống cơ sở, nhất là ở các vùng có nhiều đồng bào theo đạo Thiên chúa để cùng với đoàn viên và thanh niên địa phương tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, tuyên truyền vận động, phát động quần chúng đấu tranh với địch, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Ngày 30 tháng 6 năm 1954, trên 3000 quần chúng mà đại bộ phận là thanh niên thị trấn Phát Diệm (Ninh Bình) và các vùng lân cận đã họp mít tinh chào mừng toàn tỉnh Ninh Bình được giải phóng, chào mừng ủy ban Quân chính Phát Diệm ra mắt nhân dân. Ngày 1 tháng 7 năm 1954, sau khi tiếp quản thành phố Nam Định, ủy ban Quân chính được thành lập, cán bộ, Đoàn và đoàn viên, thanh niên đã cùng với công nhân và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ các công sở, nhà máy, xí nghiệp...

Ngày 10 tháng 1 năm 1955, thanh niên đã làm nòng cốt cho cuộc mít tinh của 7 xã gồm hơn 4000 người ở Bùi Chu lên án đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, sau đó là cuộc tuần hành biểu dương lực lượng đi qua các xã, gây khí thế mới trong nhân dân. Chỉ riêng hai huyện ý Yên và Vũ Bản trong một ngày đã có 4 cuộc mít tinh, có cuộc lên tới 15.000 người, đại bộ phận là thanh niên, viết trên 300 bản kiến nghị với hơn 60.000 chữ ký gửi Ủy ban quốc tế, phản đối đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Trong đợt đấu tranh từ ngày 20 tháng 3 năm 1955 đến ngày 18 tháng 4 năm 1955 khắp 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, phong trào “yêu nước chống cưỡng ép di cư” của tuổi trẻ đã thu hút hàng vạn đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ cho đồng bào đấu tranh chống cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam. Ngày 15 tháng 3 năm 1955, 6 xã có nhiều đồng bào theo đạo Thiên chúa ở 2 huyện Giao Thủy xã Xuân Trường có 1885 thanh niên công giáo tham gia liên hoan cùng với 7.000 thanh niên toàn tỉnh Nam  Định, biểu dương lực lượng, nêu cao khí thế chống bọn phản động tay sai, đòi chúng nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Hải Phòng, Hồng Quảng (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) nằm trong khu tập kết 300 ngày của quân đội Liên hợp Pháp trước khi rút vào Nam. Lợi dụng tình hình đó, kẻ địch tìm cách vơ vét của cải, bắt thêm lính, cài gián điệp và cưỡng ép công nhân, cán bộ kỹ thuật, người Hoa và giáo dân di cư vào Nam.

Hải Phòng là thành phố cảng, thành phố công nghiệp lớn của miền Bắc. Lợi dụng những ngày còn lại, thực dân Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ âm mưu biến Hải Phòng thành một thành phố chết, không điện, không nước, không công ăn việt làm, bến cảng, nhà ga không còn điều kiện hoạt động... Được Đảng giao nhiệm vụ, Thành Đoàn Hải Phòng đã đưa phần lớn cán bộ vào hoạt động ở nội thành để tổ chức, vận động thanh niên đấu tranh phá tan mọi âm mưu xảo quyệt của địch.

Tại nhà ga Hải Phòng, ngày 2 tháng 10 năm 1954, bọn chủ bắt công nhân tháo rời đầu máy 501 đưa xuống tàu, công nhân kiên quyết chống lại. Chúng cho binh lính dùng vũ khí bắt tài xế lái tàu nhưng anh em công nhân một mặt thuyết phục binh lính không thực hiện lệnh của bọn chỉ huy; mặt khác tìm cách báo ra ngoài cho thanh niên và nhân dân hỗ trợ. Mặc dù cổng chính vào ga đã bị khóa, có lính gác, song bằng các lối đi bí mật, hàng trăm thanh niên đã kéo vào phối hợp với công nhân đấu tranh giữ lại đầu máy. Cuối cùng bọn chủ đã phải làm giấy cam đoan để lại đầu máy.

Phát huy thắng lợi đầu tiên đó, công nhân nhà ga Hải Phòng còn có hơn 10 cuộc đấu tranh để giữ lại đầu máy, toa xe, máy móc thiết bị và các tài sản khác và đều giành thắng lợi.

Ở Nhà máy điện Cửa Cấm, những cuộc đấu tranh diễn ra hết sức quyết liệt. Ngày 9 tháng 11 năm 1954, địch huy động 200 lính Âu Phi xông vào nhà máy định chuyển 11 cỗ máy lên xe. Công nhân đã kéo còi báo động, lập tức hàng nghìn nam nữ thanh niên và nhân dân quanh vùng kéo tới. Có những nữ thanh niên ở vùng Hạ Đoạn đang gánh rau đi bán cũng bỏ cả rau, vác đòn gánh xông vào hỗ trợ. Công nhân và nông dân vây kín cổng nhà máy, kiên quyết cản đường không cho bất cứ chiếc xe nào chạy ra. Thấy khó thoát, bọn chỉ huy đành cho lính về trại, nhưng chúng vẫn để 11 cỗ máy trên xe. Biết được thủ đoạn của địch, công nhân và quần chúng tự bố trí lực lượng gồm toàn thanh niên khỏe mạnh, hăng hái, canh gác suốt ngày đêm. Nhiều lần, chúng cho quân tới định chuyển số máy đó, nhưng bị quần chúng vây kín, bọn chúng đành phải rút lui. Sang ngày 18 tháng 11, ngày thứ 10 của cuộc đấu tranh, bọn địch bất ngờ nhảy lên xe nổ máy phóng ra cổng nhưng anh em công nhân đã phát hiện kịp thời, đẩy một xe goòng chắn đườg. Ngót 100 thanh niên công nhân đang túc trực ca sáng xông vào giằng co, kéo chúng ra khỏi xe không cho chúng dẹp chướng ngại vật. Hàng nghìn quần chúng đã kịp kéo đến tiếp sức. Suốt cả ngày hôm đó không khí ở nhà máy điện như bốc lửa. Đến chiều tối, ủy ban quốc tế phải đến can thiệp. Bọn chủ phải ký biên bản hứa để lại toàn bộ tài sản của nhà máy.

Ngày 29 tháng 11 năm 1954, tại Nhà thương Vườn Hoa, bọn địch đã thu gom hết dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc men cho vào hòm, chuẩn bị chuyển đi. Hai nữ thanh niên là y tá Từ và hội lý Nguyệt đã phát hiện và tìm cách báo cáo tin ra ngoài, đồng thời vận động đồng nghiệp và bệnh nhân đấu tranh. Nhiều thanh niên đã xông vào giằng co với địch, có lúc xảy ra ẩu đả nhưng họ quyết không lùi bước. Được sự hỗ trợ của thanh niên và nhân dân đường phố, kẻ địch đã buộc phải để lại toàn bộ các tài sản nói trên.

Tại cảng Hải Phòg, địch âm mưu chuyển hết tàu bè, cần cẩu, các thiết bị trong cảng và tháo gỡ toàn bộ các phao đèn, cọc tiêu, biển báo trên các luồng lạch nhằm làm cho cảng Hải Phòng không thể hoạt động được. Đầu tháng 3 năm 1955, địch âm mưu cướp hai chiếc tàu HC1 và HC2 là hai tàu hoa tiêu quan trọng của cảng. Để giữ được tàu, công nhân phải làm hỏng máy. Khi địch đưa tàu khác đến định kéo đi, một nhóm thanh niên công nhân lại tìm cách làm hỏng máy tàu mới đến. Địch lại tiếp tục cho tàu khác đến kéo, một nhóm thanh niên đã bí mật lặn xuống nước dùng dây cáp buộc chằng dây neo tàu nọ với dây neo tàu kia, đồng thời tháo và giấu đi một số thiết bị quan trọng làm cho địch không thể sửa chữa và cũng không thể kéo tàu đi được, chúng đành phải bó tay.

Gần đến ngày tiếp quản, những cuộc đấu tranh của tuổi trẻ và nhân dân Hải Phòng càng quyết liệt. Đặc biệt là cuộc đấu tranh của gần 5 vạn quần chúng kéo dài 3 ngày (từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 5 năm 1955) để giữ lại 300 tù chính trị bị giam ở băng Máy Chai mà kẻ địch âm mưu định đưa ra biển thủ tiêu. Tuổi trẻ toàn thành phố được huy động vào cuộc dấu tranh này. Các thanh niên làm nghề đạp xích lô tự đứng về khu vực băng Máy Chai. Đường phố đông nghịt người, bất kể ai, bất kể hàng hóa, quang gánh rau quả, cơm nắm, nước uống cứ đến băng Máy Chai là được ô tô, xích lô, ba gác, xe đạp... chất lên xe chở đến nơi. Trước khí thế và sức mạnh áp đảo của quần chúng, kẻ địch phải chùn bước, không dám thực hiện tội ác, buộc phải trả lại tự do cho tất cả tù chính trị. Các anh chị em tù chính trị sung sướng và xúc động đến nghẹn ngào như những người từ cõi chết trở về với cuộc sống.

Ở Hồng Quảng (Quảng Ninh) cuộc đấu tranh cũng diễn ra hết sức quyết liệt. Tình hình chính trị - xã hội ở đây rất phức tạp. Ngoài quân đội Pháp, theo quy chế 300 ngày trước khi rút khỏi miền Bắc (do Hiệp định Giơnevơ quy định), còn một lực lượng phản động, gián điệp, đặc vụ của thực đân Pháp, của đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ, của Tưởng Giới Thạch đang ráo riết hoạt động phá hoại vừa công khai, vừa lén lút nhằm gây rối lạon tình hình kinh tế-xã hội trước mắt và lâu dài.

Là vùng bị quân Pháp chiếm đóng nhiều năm nên lực lượng đoàn viên rất mỏng, nhiều nơi chưa có tổ chức Đoàn, nhất là ở vùng mỏ và vùng núi. Trước tình hình đó, Trung ương Đoàn đã cử một đoàn cán bộ tham gia tiếp quản và củng cố tổ chức Đoàn các cấp. Khu Đoàn đã cử nhiều đoàn viên cán bộ thâm nhập xuống cơ sở năm tình hình tổ chức và vận động đoàn viên, thanh niên tham gia đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu phá hoại của địch.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, khu mỏ đã bí mật thành lập các tổ chức tự vệ công nhân gồm phần lớn là đoàn viên, thanh niên ở các nông trường, xí nghiệp để bảo vệ máy móc, thiết bị và các cơ sở công nghiệp. Được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đoàn đã phát huy vai trò xung kích tích cực tham gia các đội tự vệ công nhân, đội bảo vệ trật tự, an ninh...

Chiều ngày 17 tháng 12 năm 1954 bọn chủ chuyển 12 hòm máy vào một cần cẩu Xông-đơ ra cảng Cửa Ông tự vệ công nhân đã phát hiện kịp thời, huy động thợ mỏ tập trung trước nhà kho, đòi bọn chủ phải đưa máy trở lại mới đi làm, cuối cùng chúng phải chấp thuận.

Ngày 9 tháng 3 năm 1955, bọn chủ Pháp ở Nhà máy Điện Cọc 5 đã lén lút huy động binh lính và chỉ huy người Âu tháo dỡ đóng hòm định chuyển 8 mô-bin ra Cẩm Phả đưa xuống tàu. Tự vệ công nhân đã cho người canh gác và cử đại biểu đến chất vấn bọn chủ và phản đối hành động phi pháp đó. Ngày 10, chúng lén lút cho xe tải và binh lính đến chuyển đi nhưng công nhân đã kịp thời bao vây, bắt chúng phải để lại toàn bộ 8 mô-bin. Ngày 24 tháng 4 năm 1955, khi chuẩn bị xuống tàu rút khỏi miền Bắc, chủ nhà máy cơ khí Cẩm Phả định chuyển máy móc đi, công nhân đã phát hiện và buộc chúng để lại.

Trên mặt trận đấu tranh chống cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, tuổi trẻ Hồng Quảng và Hải Ninh (nay là Quảng Ninh) cũng đã có sự đóng góp đáng kể.

Ngày 24 tháng 4 năm 1955 quân Pháp rút khỏi Hồng Quảng. Ngày 13 tháng 5 năm 1955 thành phố Hải Phòng được giải phóng và ngày 22 tháng 5 năm 1955 quân Pháp rời đảo Cát Bà, tên lính cuối cùng của thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc. Một nửa nước được hoàn toàn giải phóng. Đó là thắng lợi lịch sử của nhân dân và tuổi trẻ nước ta sau những năm chiến dấu kiên cường và anh dũng.

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng ta chủ trương tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đường lối đó xác định con đường đi lên của cách mạng cả nước, kết hợp những yêu cầu cơ bản của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.

Thực hiện đường lối xây dựng và củng cố miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà, Hội nghị lần thứ 7 (tháng 3 năm 1955) là Hội nghị lần thứ 8 (tháng 8 năm 1955) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã khẳng định: “miền Bắc là chỗ dựa của ta. Bất kể tình huống nào miền Bắc cũng phải được củng cố... Củng cố miền Bắc về mọi mặt là nhiệm vụ rất quan trọng vì miền Bắc có được củng cố ta mới có đủ lực lượng để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”. Đảng ta còn chỉ rõ: “Củng cố miền Bắc là một nhiệm vụ căn bản không những quan hệ mật thiết đối với nhiệm vụ đấu tranh hiện nay mà còn quan hệ mật thiết đến sự phát triển giàu mạnh sau này của nước ta nữa”.

Để hoàn thành việc xóa bỏ chế độ phong kiến, thực hiện việc chia ruộng đất cho nong dân lao động, thủ tiêu thế lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị của giai cấp địa chủ, xây dựng và củng cố ưu thế chính trị của nông dân lao động ở nông thôn, tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tiếp tục hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất. Với lực lượng chiếm hơn 50% tổng số lao động nông nghiệp, là lớp người hăng hái, nhiệt tình, các cơ sở Đoàn ở nông thôn đã hướng toàn bộ hoạt động của mình vào cuộc cách mạng ruộng đất của Đảng và Chính phủ. Đoàn thanh niên ở các cơ sở nông thôn, sau khi tổ chức cho đoàn viên, thanh niên học tập luật cải cách ruộng đất và các chủ trương của Đảng đã tổ chức các Đội thanh niên xung kích, các tổ thông tin tuyên truyền phục vụ yêu cầu của các Đội cải cách ruộng đất, đồng thời làm lực lượng nòng cốt trong các đội tự vệ, bảo vệ các cuộc đấu tranh của nông dân, giữ gìn trật tự, an ninh thôn xóm. Đoàn viên và thanh niên nông thôn đã cùng bà con nông dân ôn nghèo, kể khổ, vạch rõ ranh giới giữa lao động và bóc lột.

Tháng 12 năm 1955, cuộc vận động cải cách ruộng đất đợt 5 được triển khai ở 1720 xã có trên 6.000.000 người trong 20 tỉnh và 2 thành phố. Tháng 7 năm 1956, cải cách ruộng đất đợt 5 kết thúc ở toàn bộ vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi. Cuộc vận động cải cách ruộng đất đã đạt được thắng lợi to lớn. Nông dân được chia ruộng đất, hoàn thành xóa bỏ giai cấp địa chủ, xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến ở miền Bắc nước ta, quyền làm chủ của nông dân ở nông thôn được nâng cao. Nhưng trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng.

Tháng 9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã có những kết luận về thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất, đề ra phương hướng và chủ trương sửa sai, bao gồm 10 điểm như xóa bỏ các quyết định đối với những chi bộ bị giải tán sai, khôi phục đảng tịch, đoàn tịch, quyền lợi chính trị, danh dự, công tác và quyền công dân đối với đảng viên, đoàn viên và nhân dân bị xử trí sai; sửa lại thành phần cho những người bị quy lầm là địa chủ, phú nông; bỏ lệnh quản chế những người bị quy sai là phản động; chấp hành nghiêm túc chính sách đối với quân nhân cách mạng, gia đình cách mạng, chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc...

Với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, Đảng và Chính phủ đã hoàn thành công tác sửa sai. Nông thôn dần dần ổn định, lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Chính phủ được khôi phục.

Được thử thách và rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, tổ chức Đoàn không ngừng lớn mạnh. Chỉ tính riêng năm 1956, đã có thêm 20.889 thanh niên được kết nạp vào Đoàn. Nếu kể từ năm 1954, riêng trong cải cách ruộng đất Đoàn đã kết nạp được 73.637 đoàn viên, đưa tổng số đoàn viên đến hết năm 1956 là 452.680 đồng chí.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Liên Đoàn thanh niên Việt Nam, Hội học sinh, sinh viên đã được củng cố và xây dựng, thực sự phát huy vai trò và tác dụng của mình trong cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tuy nhiên, do sự chia cắt giữa các vùng (vùng tự do, vùng bị tạm chiếm, vùng địch hậu...) nên việc chỉ đạo của Đoàn và phong trào thanh niên có những điểm khác nhau, các tổ chức thanh niên cũng chưa có sự chỉ đạo thống nhất. Để thống nhất tổ chức và phong trào sinh viên, ngày 11 tháng 2 năm 1955, đoàn đại biểu hội sinh viên Hà Nội và đoàn đại biểu Đoàn sinh viên Việt Nam đã họp bàn thống nhất lực lượng, tổ chức và hoạt động của sinh viên. Trong 3 ngày từ 29 đến 31-7-1955, tại Hà Nội, 244 đại biểu chính thức và 250 đại biểu dự thính của các trường đại học, đại biểu sinh viên miền Nam tập kết, và đại biểu lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã họp đại hội để thống nhất tổ chức và phong trào sinh viên Việt Nam, lấy tên là Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 8 tháng 10 năm 1956, Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam được triệu tập tại Hà Nội. Ngày 15 tháng 10 năm 1956 Đại hội vinh dự được Bác Hồ kính yêu đến thăm và nói chuyện với các đại biểu. Đồng chí Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội.

Ngày 19 tháng 10 năm 1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Đây là cuộc vận động chính trị lớn. Thông qua việc học tập đổi tên Đoàn, các cấp Đoàn đã giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đoàn viên, củng cố tổ chức Đoàn, chuẩn bị về mọi mặt để đón nhận những nhiệm vụ mới mà Đảng và Bác Hồ giao cho. Với tinh thần đó, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II được triệu tập từ ngày 25-10 đến 4-11-1956, với 479 đại biểu thay mặt cho gần nửa triệu đoàn viên viên về dự. Đại hội khẳng định những cống hiến xuất sắc của Đoàn và phong trào thanh niên trong 9 năm kháng chiến và 3 năm khôi phục kinh tế. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ của Đoàn trong giai đoạn cách mạng mới là: “Động viên mọi người, mọi tầng lớp thanh niên đem hết sức lực, trí tuệ của mình vào công cuộc khôi phcụ kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, tham gia tích cực vào công cuộc củng cố miền Bắc, tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Đại hội được Bác Hồ kính yêu và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước đến thăm, Bác đã chỉ thị: “Muốn Đoàn củng cố và phát triển thì tất cả đoàn viên phải gương mẫu”. Đại hội đã ra Nghị quyết về công tác thiếu niên, nhi đồng và quyết định đổi tên Đội thiếu nhi Tháng Tám thành Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam bao gồm hai lứa tuổi: thiếu niên và nhi đồng.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn  gồm 30 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành TW Đoàn.

***

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà... Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ, sáng tạo , cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng, thanh niên nông thôn đã chiến đấu quyết liệt với bão lụt, hạn hán để cứu lúa, cứu tài sản của nhân dân; rà phá bom mìn, dây thép gai, khai hoang phục hóa đem lại màu xanh cho đồng ruộng, no ấm cho nhân dân. Thanh niên khu chợ Cháy (huyện ứng Hòa, Hà Tây) đã đảm nhận trước cấp ủy Đảng và nhân dân địa phương xung phong phá gỡ hàng ngàn quả mìn, hàng vạn mét vuông dây thép gai, khai hoang, phục hóa 1.200 hécta ruộng, biến khu “trắng” thành đồng ruộng tốt tươi. Thanh niên Thanh Hóa đã tổ chức 530 chi đoàn, gồm 9.909 đoàn viên, thanh niên và lập 53 đội thanh niên xung phong tham gia xây dựng, sửa chữa đập Bái Thượng bị địch phá hoại hư hỏng nghiêm trọng và tu bổ hệ thống nông gian sông Chu. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã lập thành tích xuất sắc. Trên công trường Bái Thượng, 7 đoàn viên được bầu là Chiến sĩ thi đua. Lê Thị Xinh là người luôn luôn dẫn đầu về năng suất lao động. Tại Hải Phòng, khi thành phố vừa được giải phóng chưa được bao lâu thì một trận bão lớn khủng khiếp (tháng 9 - 1955) ập đến đúng lúc triều cường, tạo thành những cơn sóng thần tràn qua đê biển, cuốn trôi người, vật, nhà cửa, cây cối, xóa sạch dấu vết của xã Ninh Hải. Gần 20.000 thanh niên được tổ chức thành những đội xung kích chống bão, vật lộn với mưa to, sóng dữ. Hàng trăm chiến sĩ quân đội, khoác tay nhau làm thành bức tường chắn sóng để đồng đội đóng cọc, kè vá đoạn đê bị vỡ. Đoàn viên Phạm Minh Đức, chiến sĩ đại đội 1, trung đoàn 53 liên tục vật lộn với sóng gió hàng giờ liền, cứu được 14 người khỏi bị sóng cuốn ra biển. Mặc dù quá mệt và rét, nhưng khi thấy 2 người phụ nữ bị nước cuốn đi, anh đã lao ra giữa dòng nước xiết, đưa được vào bờ và anh đã hy sinh anh dũng. Liệt sĩ Phạm Minh Đức đã được Quốc hội tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng đã lấy tên anh đặt cho một đường phố trong nội thành. Sau trận bão, hai phần ba lực lượng thanh niên nông dân được huy động lên đê, chiếm hơn 70% lực lượng lao động trên công trường. Tỉnh Kiến An được Bác Hồ tặng cờ thi đua là “Đơn vị khá nhất”. Hàng vạn thanh niên công nhân, cán bộ, học sinh đã tham gia cùng nông dân “rửa chua khua mặn” cho vùng Kiến Thụy, Hải An bị nước mặn tràn vào. Có nơi phải gánh nước mặn đổ đi, gánh nước ngọt đổ vào, đi lấy đất ngọt xa hàng bốn, năm cây số về trồng rau màu cứu đói. 4.000 thanh niên huyện Bình Lục (Hà Nam) đã dồn sức đắp lại một quãng đê bị lũ phá vỡ. Hàng trăn thanh niên khoác vai nhau làm hàng rào chắn nước để đất đắp không bị cuốn trôi và chỉ sau một ngày nước lũ đã bị chặn đứng,v.v...

Qua bão lụt, hạn hán kéo dài, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Đoàn lại phát động phong trào đào giếng, đào mương, khơi ngòi dẫn nước về đồng cứu màu, cứu lúa. Tinh thần quyết tâm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “nghiêng sông đổ nước vào đồng” của tuổi trẻ đã hạn chế đến mức cao nhất những thiệt hại do thiên nhêin gây ra. Tuổi trẻ Thanh Hóa đã đào được hàng vạn giếng nước, hàng triệu mét khối đất để xây dựng kênh, mương lấy nước tưới cho lúa. Tiêu biểu là thanh niên xã Khang Ninh (Hậu Lộc) đã đục hang sâu vào núi để lấy nước dẫn về đồng. Thanh niên xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa) đã đào hàng trăm giếng, ao lấy nước tưới cho lúa. Thanh niên huyện Cẩm Thủy đã phải đấu gầu tát nước qua 13 bậc, đưa nước lên cao tưới cho lúa và hoa màu,v.v... Trong 3 năm (1955-1957), tuổi trẻ miền Bắc đã đóng góp trên 10.000.000 ngày công chống hạn, sửa chữa, khôi phục, đưa vào sử dụng 6 công trình thủy nông lớn và hàng chục công trình thủy lợi hạng vừa, giải quyết một phần tưới nước, tiêu nước cho đồng ruộng.

Để có nước chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp đối với vựa lúa đồng bằng sông Hồng, Đảng và Chính phủ đã quyết định xây dựng hệ thống Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các Tỉnh Đoàn Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thành Đoàn Hà Nội động viên hàng vạn đoàn viên, thanh niên lên công trường. Đại bộ phận cán bộ chủ chốt của Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn thường xuyên có mặt ở hiện trường để tổ chức, động viên thanh niên, giúp đỡ các xây dựng Đoàn hoạt động có kết quả. Ngày 20 tháng 9 năm 1958, Bác Hồ đã đến thăm công trường và căn dặn: “Cán bộ và đồng bào phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt. Công trình Bắc - Hưng - Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu họch lại tăng thêm... Đảng viên và đoàn viên thanh niên phải xung phong “làm đầu tàu, làm gương mẫu”.

Tuân theo lời dạy của Bác, hàng trăm đội thanh niên xung kích ra đời, đảm nhận những nơi, những công việc khó khăn, gian khổ nhất. Tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ đã được phát huy mạnh mẽ, lao động không quản ngày đêm, mưa nắng, đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu, định mức được giao, góp phần hoàn thành công trình trước thời hạn. Thi đua với đoàn viên, thanh niên công trình Bắc - Hưng - Hải, tuổi trẻ nông thôn miền Bắc đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi rộng khắp, đào mương, đắp đập, hoàn chỉnh các hệ thống nông gian, bảo đảm đủ nước, chủ động tưới tiêu cho đồng ruộng. Chỉ trong 3 năm (1958-1960) đoàn viên thanh niên miền Bắc đã đóng góp 72,25 triệu ngày công lao động, đào đắp 116,2 triệu mét khối đất để xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ thâm canh, góp phần giải quyết căn bản nạn hạn úng kéo dài.

Thực hiện khẩu hiệu “sạch làng tốt ruộng”, phong trào làm phân bón đã thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh niên khắp nơi tham gia. Từ ngoại thành Hà Nội, đoàn viên Nguyễn thị Hoàn nêu kỷ lục “Kiện tướng nghìn cân”. Khi đưa tin này, Báo Tiền phong, cơ quan của Trung ương Đoàn đã đề nghị thanh niên nông thôn hãy thi đua với Nguyễn Thị Hoàn làm thật nhiều phân bón. Phong trào đã được đoàn viên, thanh niên hưởng ứng rộng rãi. Chỉ sau một thời gian ngắn, Nguyễn Thị Hoàn đã tự phá kỷ lục, đạt 3000kg rồi 6.000kg/tháng. Lê Thị Mến (Duy Tiên - Hà Nam) đạt 4.000kg; Cao Thị Min (Nam Định) đạt 5200kg. Tất cả đoàn viên chi đoàn Sàng (xã Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam); chi đoàn 5 (xã Duy Tân, Ân Thi, Hưng Yên) đã đuổi kịp kiện tướng Nguyễn Thị Hoàn. Chi đoàn Đông Xuân (Nam Định), đạt bình quân 3.000kg một người,v.v... Hai chi đoàn Đông Phong (Hòa Bình) và Minh Lang (Thái Bình) và các kiện tướng Nguyễn Thị Hoàn, Lê Văn Dây (thương binh cụt một tay), Sân Mù Mây (nữ dân tộc thiểu số), Trần Danh (thiếu niên) được vinh dự nhận phần thưởng của Bác Hồ về thành tích làm phân bón.

Để có nhiều phân bón, phục vụ thâm canh tăng năng suất cây trồng, Đoàn đã động viên thanh niên làm tốt công tác chăn nuôi trâu bò, lợn; phát động thanh niên tìm kiếm và tận dụng các nguồn phân bón tại chỗ như phân bắc, phân xanh, phân bùn, phân dơi,v.v...

Hưởng ứng phong trào cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật do Trung ương Đoàn phát động, học tập gương sáng của đoàn viên Phạm Trung Pồn, người Tày (Cao Bằng), bị mù hai mắt nhưng dám nghĩ, dám làm, kiên trì phấn đấu cải tiến được 11 loại công cụ cầm tay, tuổi trẻ miền Bắc đã có phong trào sử dụng “cày 51” thay cho “cày chìa vôi”, bừa sắt thay cho bừa tre, cào cỏ Nghệ An thay cho nhổ cỏ bằng tay,v.v... vừa bảo đảm kỹ thuật, vừa đạt năng suất lao động cao. Cùng với việc sử dụng các công cụ nói trên, thanh niên các dân tộc ở Hòa Bình, còn cải tiến và sử dụng các công cụ vận chuyển, công cụ làm đất là các khâu mà xưa nay chủ yếu dựa vào sức người như xe cải tiến, xe quệt, mảng vận chuyển, xe đạp thồ, xe trâu bò kéo,v.v... tùy theo địa hình và đường xá ở từng địa bàn. Thanh niên xã Liên Phương (Hòa Bình) đã sử dụng hoàn toàn cày cải tiến và 90% công việc vận chuyển bằng xe thô sơ và xe cải tiến thay quang gánh. Đó là quê hương của phong trào giải phóng đôi vai sau này. Cùng với các phong trào nói trên, tuổi trẻ nông thôn đã bước đầu đi vào kho học kỹ thuật, áp dụng những phương pháp và biện pháp lỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và chăn nuôi. Đó là phương pháp ủ chua thức ăn cho lợn, ngâm ủ lúa giống trong nước “3 sôi 2 lạnh”, ủ phân, sử dụng thuốc trừ sâu, cấy lúa nhỏ dảnh, dày vừa phải,v.v... được áp dụng tương đối rộng rãi. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Năm học 1957-1959 đã có 443 sinh viên và 1039 học sinh trung cấp nông nghiệp và hàng nghìn cán bộ sơ cấp kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. sự nỗ lực của tuổi trẻ miền Bắc đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đến năm 1957, tổng sản lượng lương thực đã vượt mức cao nhất so với trước chiến tranh (1939).

Sau cải cách ruộng đất, nông thôn miền Bắc đã có bước chuyển biến mới, sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân được cải thiện một bước. Để đưa nền nông nghiệp miền Bắc tiếp tục phát triển ngày càng cao, Đảng ta chủ trương tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp.

Giáo dục đoàn viên, thanh niên thấu hiểu được tính sâu sắc, triệt để của cuộc đấu tranh giữa con đường làm ăn tập thể với con đường làm ăn cá thể để tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, không  những bảo đảm sự tham gia tích cực, tự giác của họ vào quá trình của cuộc vận động mà còn làm cho họ nhận thức được con đường tất yếu đi lên CNXH ở miền Bắc nước ta. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa II) lần thứ VI nhấn mạnh: “Phải tổ chức hết thảy mọi đoàn viên và thanh niên nông thôn học tập đường lối hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng”, Đoàn đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú trong công tác tuyên truyền, vận động... Hội nghị Đại biẻu Đoàn toàn miền Bắc họp từ ngày 15 đến ngày 20-2-1960 nhận xét: Thanh niên đã hăng hái tham gia hợp tác xã, góp phần tích cực vào việc mở rộng và củng cố phong trào hợp tác hóa nông nghiệp”.

Trên mặt trận sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải thanh niên công nhân, thanh niên xung phong đã lao động dũng cảm, không tiếc mồ hôi và công sức của mình góp phần khôi phục hệ thống giao thông, nhà máy, xí nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường Điện Biên Phủ, hàng vạn thanh niên xung phong lại bắt tay vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Hai hội thanh niên xung phong 34 và 40, gồ trên 7000 đội viên bắt tay mở đường Mộc Châu - Pa Háng, sau đó là đường Lai Châu - Phong Thổ đến biên giới Việt - Trung, nâng cấp và mở rộng đường Lai Châu - Tuần Giáo. Được thử thách, rèn luyện và trưởng thành trong chiến đấu, các đoàn viên TNXP đã đem hết nhiệt tình, hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện hết sức gay go, gian khổ. Hàng trăm đội viên đã ngã xuống vì bom mìn của địch còn sót lại, vì ốm đau, bệnh tật, vì tai nạn lao động và cả thú dữ nữa. Trong khi đó, công việc lại rất nặng nhọc, khó khăn; chặt cây, phá đá, bạt núi, san đèo, bắc cầu, xây cống,v.v... giữa rừng sâu hiểm trở, thiếu thốn mọi bề từ lương thực, thực phẩm, rau xanh và cả nước uống cũng không đủ dùng. Không khuất phục trước những thử thách mới, với tinh thần và ý chí cách mạng tấn công, phát huy tính năng động và sáng tạo của tuổi trẻ, các đối với TNXP đã từng bước nâng cao năng xuất lao động, đạt và vượt chỉ tiêu, hoàn thành nhiệm vụ được giao trước thời hạn. Riêng đại đội 407 và 302 được vinh dự nhận cờ “Thi đua khá nhất” của Bác Hồ.

Để mở rộng giao lưu quốc tế, ngay từ những ngày đầu hòa bình lập lại, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định khôi phục nhanh chóng tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan và giao cho Đoàn thanh niên làm lực lượng xung kích trong nhiệm vụ quan trọng này. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn, hơn 4 vạn đoàn viên, thanh niên tình nguyện lên công trường. Anh chị em là những đội viên thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Pháp, là chiến sĩ du kích ở khu 3, khu 5, Thừa Thiên, Quảng Trị, các tỉnh Nam Bộ tập kết ra Bắc,v.v... Những ngày đầu công việc gặp rất nhiều khó khăn, không quản ngại gian nan, vất vả, không nề hà những công việc nặng nhọc như đập đá, lấy gỗ, bắc cầu, làm đường, phá núi,v.v... Riêng đội TNXP đường sắt với 1.885 đội viên gồm quân số của các tình khu 3 và Tả ngạn, đảm nhận đoạn đườg từ ga Kép đến ga sông Hóa dài 32km. Với tinh thần lao động quên mình, với bản chất năng động và sáng tạo, tuổi trẻ trên công trường đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan đã hoàn thành tuyến đường dài 163km này chỉ trong chưa đầy 4 tháng. Ngày 28-2-1955 chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên đã đến ga Đồng Đăng, nối liền nước ta với Trung Quốc và các nước anh em, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận sự giúp dỡ chí tình của anh em, bạn bè, đồng chí. Có thể nói: Đây là chiến công đầu tiên của tuổi trẻ và nhân dân miền Bắc trong bước đường xây dựng lại đất nước.

Cùng với việc khôi phục nhanh chóng tuyến đường sắt đầu tiên này, tuổi trẻ lại tiếp tục góp phần vào việc khôi phục các tuyến đường sắt khác như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Nam Định - Thanh Hóa, trong đó TNXP vẫn là lực lượng nòng cốt. Tuyến đường Hà Nội - Lào Cai được khởi công xây dựng lại từ ngày 21-3-1955. Với truyền thống là một đội quân xung kích cách mạng do Bác Hồ tổ chức và giáo dục, đã được thử thách và rèn luyện trong những năm qua, TNXP đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định. Ngày 1-1-1956, chuyến tàu đầu tiên đã đến ga Lào Cai trong niềm hân hoan của đồng bào các dân tộc anh em.

Như vậy, sau khi 4 tuyến đường sắt đã được khai thông cùng với đường bộ, đường sông, đường biển, và đường hàng không, thanh niên xung phong đã lập công lớn trong quá trình khôi phục mạng lưới giao thông nối liền Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, tạo thế liên hoàn giữa các địa phương với Trung ương, giữa các tỉnh, huyện với nhau.

Đi liền với nhiệm vụ xây dựng lại hệ thống giao thông TNXP còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác. Đại đội 295 thuộc đội 38 có 165 đội viên, phục vụ ngành Bưu địn, làm nhiệm vụ mắc dây điện thoại, nối liền đường dây liên lạc các tỉnh với Thủ đô Hà Nội, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ với các địa phương.

Từ cuối năm 1955, đại bộ phận các đơn vị TNXP chuyển sang tham gia xây dựng và khôi phục các công trình công nghiệp như di chuyển Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo từ chiến khu Việt bắc về Hà Nội để tiếp tục sản xuất; khôi phục Nhà máy Xi măng Hải Phòng,v.v... và tham gia xây dựng Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Gỗ Cầu Đuống, Diêm thống nhất, Chè Phú Thọ, Cá hộp Hải Phòng, Suppe phốt phát Lâm Thao, Hóa chất Việt Trì,v.v... là những cơ sở vật chất kỹ thuật đầu tiên của chủ nghĩa xây dựng ở miền Bắc. Hàng vạn đoàn viên, thanh niên đã tự nguyện đóng góp hàng chục vạn ngày công lao động để khôi phục, sửa chữa, dọn dẹp các cơ sở công nghiệp do địch phá hoại trước khi rút như ga Hàng Cỏ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Cảng Hải Phòng, Nhà máy Dệt Nam Định,v.v... nhằm góp phần ổn định sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân.

Sự tham gia tích cực và đông đảo của tuổi trẻ vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, đã góp phần đáng kể đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, làm cho thành phần kinh tế quốc doanh lớn mạnh không ngừng. Năm 1955, miền Bắc chỉ có 19 xí nghiệp quốc doanh với 17.200 công nhân, sau 3 năm khôi phục và xây dựng đã có 78 xí nghiệp với 46.340 công nhân, trong đó có 50 xí nghiệp mới xây dựng.

Bước sang giai đoạn cách mạng mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương “Tiến hành cải tạo hòa bình công thương nghiệp tư bản tư doanh”, “cải tạo dần dần người tư sản thành người lao động”, Đoàn thanh niên có trách nhiệm tổ chức, giáo dục đoàn viên, thanh niên tham gia tích cực vào công tác này. Đoàn thanh niên trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ... đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên học tập để hiểu rõ và góp pầhn tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phát huy tinh thần làm chủ nhà máy, xí nghiệp, đoàn viên, thanh niên công nhân còn có phong trào: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm”, ngày “lao động kiến thiết Tổ quốc”,v.v... Trong 3 năm (1958 - 1960), thanh niên công nhân Hà Nội đã có 4.995 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất từ 10 đến 200% và thu nhặt được trên 628 tấn nguyên vật liệu. Thanh niên công nhân Hải Phòng có 2.030 sáng kiến, thanh niên công nhân khu mỏ Hồng Quảng (Quảng Ninh) đi đầu trong sản xuất, vận chuyển than, tiết kiệm được 2,8 triệu đồng,v.v... Nhiều điển hình cá nhân như Nguyễn Thế Nghĩa, công nhân Nhà máy Cơ khí Gia Lâm (Hà Nội) trong một năm có 10 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trong đó có sáng kiến tăng năng suất 900% và đã trở thành lá cờ đầu của thanh niên công nhân miền Bắc. Đoàn viên, thanh niên công trường khai thác đá Sơn Tây, do có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đã làm lợi cho xí nghiệp 6.000.000 đồng được Bác Hồ gửi thư khen và 5 huy hiệu của Bác để tặng cho những người có thành tích suất sắc nhất.

Phong trào “Ngày lao động xã hội chủ nghĩa” đã thu hút 25 vạn đoàn viên, thanh niên trong các cơ quan trường học, xí nghiệp, công trường, bệnh viện,v.v... tham gia.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đã tạo ra môi trường rộng lớn cho tuổi trẻ cống hiến và trở thành, mở ra con đường đi tới tương lai. Nếu trong 3 năm khôi phục kinh tế có 6 vạn thanh niên tình nguyện đi lên các công trường thì 3 năm cải tạo, xây dựng phát triển kinh tế đã có tới 20 vạn thanh niên đến với các công trình mới.

Hàng chục vạn đoàn viên, thanh niên được bổ sung vào đội ngũ công nhân đã góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đông đảo và vững mạnh. Đoàn thanh niên đã đóng vai trò tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển. Tổ chức Đoàn không những có tiếng nói xứng đáng trong nhiều vấn đề thiết yếu mà còn có đủ điều kiện cần thiết để đưa thanh niên đi vào những hoạt động chiều sâu, trong đó có việc đảm nhận giải quyết những công việc khó khăn, mới mẻ nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của sự nghiệp xây dựng CNXH. Riêng Trung ương Đoàn đã đảm nhận trước Đảng và Nhà nước xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Đông Anh, tuyến đường bộ 12B Hòa Bình, Nhà máy Suppe phốt phát Lâm Thao, lò cao số 1 khu gang thép Thái Nguyên,v.v... Điều đó thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm của Đoàn trước vận mệnh của đất nước.

Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nửa nước được độc lập tự do, điều mà tuổi trẻ cảm nhận sâu sắc nhất là cuộc sống tinh thần đã có sự thay đổi căn bản, thể hiện bản chất của chế độ mới. Hơn ai hết, tuổi trẻ là lớp người được thừa hưởng nhiều nhất thành quả đó của cách mạng. Vì thế, ngay sau ngày hòa bình lập lại, thanh niên ở các thành phố, thị xã và các vùng vừa được giải phóng đã tích cực tham gia thu dọn chướng ngại vật trên đường phố, thôn xóm, sửa sang các công trình công cộng, xóa bỏ tàn dư, vết tích của chiến tranh và chủ nghĩa thực dân chiếm đóng. Đường làng, ngõ xóm đã trở nên sạch đẹp, phong quang, phố xá đông vui, nhộn nhịp, nhưng lại rất trật tự, đàng hoàng. Gương mặt của Thủ đô và các vùng mới giải phóng từng ngày đổi thay. Đồng thời với sự thay đổi về chính trị, kinh tế, đời sống tinh thần cũng bắt đầu mang màu sắc mới. Đoàn viên, thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên đi tiên phong trong cuộc đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hóa đồi trụy, phản động của chủ nghĩa thực dân và các hủ tục của chế độ cũ để lại, vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới, cuộc sống mới vui tươi, lành mạnh. Các tệ nạn cờ bạc, gái điếm, mê tín dị đoan,v.v... được hạn chế dần. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được mở ra, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia, tạo ra môi trường mới thích hợp, đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ. Các bài ca cách mạng và kháng chiến được phổ biến rộng rãi.

Giữa lúc tuổi trẻ và nhân dân ta đang hăng say lao động sáng tạo, xây dựng cuộc sống mới thì một nhóm nhỏ văn nghệ sĩ, trí thức vì dao động trước những khó khăn trong bước chuyển tiếp giữa hai giai đoạn cách mạng, đã lợi dụng lúc tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp và nhân khi Đảng ta phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi xấu chế độ,v.v... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn viên, thanh niên đã tích cực tham gia đấu tranh chống lại. Một số văn nghệ sĩ cách mạng và trí thức trẻ, sinh viên trong các cơ quan và các trường đại học đã vạch trần âm mưu chống phá cách mạng của nhóm “Nhân văn - Giai phẩm” và nhóm “Đất mới”. Thanh niên công nhân Nhà máy in Xuân Thu kiên quyết không in và kiến nghị đình bản tờ “Nhân văn” số 6. Qua việc phổ biến các tác phẩm văn học - nghệ thuộc cách mạng và hiện thực XHCN của các nhà vă trong nước và thế giới, chủ yếu là văn học Xô viết, nhất là qua hoạt động văn hóa nghệ thuật của Đoàn đã góp phần nâng cao nhận thức về chính trị, về nền văn hóa - văn nghệ cách mạng. Đoàn còn mở rộng hoạt động của mình nhằm đi sâu vào cuộc sống của thanh niên như chống mê tín dị đoan, chống các tệ nạn xã hội, coi thường phụ nữ, nạn tảo hôn ma chay, cưới xin lạc hậu và các phong tục tập quán không lành mạnh khác,v.v... nhằm hình thành trong tuổi trẻ một nếp sống văn minh, khoa học, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Những tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi đất nước luôn vang lên trong các thôn xóm, khu tập thể, trên các đường phố... làm cho nhịp sống lao động của tuổi trẻ thêm sôi nổi, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng

Để giáo dục và nâng cao nhận thức về Đảng, về Bác Hồ và những phẩm chất của người cộng sản cho đoàn viên, thanh niên, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1960) và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đầu năm 1960, Trung ương Đoàn mở cuộc vận động: “Sống, làm việc, học tập theo gương những người cộng sản”. Đồng thời mở cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ trên quy mô lớn, đến tận đoàn viên, thanh niên.

Đi đôi với việc nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, Đoàn còn quan tâm đến việc nâng cao trình độ học vấn cho đoàn viên, thanh niên. Các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa được mở ra khắp các bản làng, thu hút đông đảo tuổi trẻ và bà con lao động đến học.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Học cũng thế, dạy cũng thế, thanh niên là chủ lực quân trong phong trào bình dân học vụ”, “Người biết dạy cho người không biết như vết dầu loang”, các tổ chức Đoàn ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Nghệ An,v.v... đã lập các đội “Thanh niên xung kích diệt dốt”, mở các “trại hè diệt dốt”, cử hàng chục vạn cán bộ, đoàn viên, thanh niên đi đến từng làng bản, khu lao động và cả từng gia đình vận động nhân dân đi học. Những người có hoàn cảnh khó khăn thì kèm cặp bà con học tại nhà. Chỉ trong thời gian ngắn, Thành Đoàn Nam Định đã thanh toán nạn mù chữ cho 1376 người trong tổng số 1407 người chưa biết chữ. Đến đầu năm 1956, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã xóa mù chữ cho 7964 đoàn viên và một năm sau, Đoàn đã tham gia thanh toán nạn mù chữ cho 149.114 người, đạt 102,1% kế hoạch do Trung ương giao. Riêng thanh niên đã thanh toán nạn mù chữ cho 106 chi đoàn. Xã Vĩnh Khang (Thanh Hóa) trở thành lá cờ đầu trong phong trào xóa nạn mù chữ toàn miền Bắc, được Chính phủ khen. Năm 1958, Thanh Hóa có 30.417 đoàn viên thanh niên, tham gia ở 9.273 tổ “xung kích diệt dốt”. Đến 30-10-1958, toàn tỉnh đã thanh toán xong nạn mù chữ cho cả thanh niên và nhân dân. ở Hòa Bình, năm 1956, toàn tỉnh đã mở được 1548 lớp bình dân học vụ, có 1.600 giáo viên là thanh niên, đã thanh toán nạn mù chữ cho trên 55% dân số, riêng thanh niên là 80%. Đến năm 1960, Hòa Bình là tỉnh miền núi đầu tiên thanh toán nạn mù chữ, với 96% số người trong độ tuổi biết đọc, biết viết.

Là người luôn luôn quan tâm giáo dục và đạo tạo thế hệ trẻ, do đó tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng ngay sau khi miền Bắc mới được giải phóng, ngày 18-12-1954, Bác Hồ đã đến thăm thầy cô giáo và học sinh các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương (Hà Nội), Bác dạy: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng thì thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc. ... Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thực sự là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò của người chủ thì phải học tập”.

Ngày 19-1-1955, Bác đã đến dự lễ khai giảng khóa đầu tiên Trường Đại học Nhân dân tại Hà Nội.

Ngày 19-3-1955, Bác lại gửi thư cho thầy giáo và học sinh Trường Sư phạm Miền núi và căn dặn: “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.

Chính với sự quan tâm của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà ngay sau ngày hòa bình lại, các trường học đã mở cửa đón con em nhân dân lao động đến trường. Tháng 10-1954, Trường Đại học Y - Dược mở cửa, các Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học chuẩn bị bước vào năm học mới. Ngày 1-11-1954, 51.260 con em nhân dân lao động Thủ đô Hà Nội nô nức đến trường khai giảng năm học đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại. Lực lượng đoàn viên trong các trường đại học và các trường cấp III tuy còn rất mỏng, nhưng hoạt động của Đoàn đã có tác dụng rõ rệt. Các hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt tập thể, công tác xã hội, kỷ luật, trật tự, các hoạt động văn hóa, văn nghệ,v.v... đã thu hút hầu hết học sinh, sinh viên tham gia. Năm học 1959 - 1960, miền Bắc đã có 1.460.596 học sinh phổ thông (gấp 3,5 lần năm học 1939 - 1940 toàn Đông Dương), 16.000 học sinh trung học chuyên nghiệp (gấp 4 lần) và 8479 sinh viên đại học (gấp 14,6 lần năm 1939 - 1940 toàn Đông Dương) và gần 2000 học sinh, sinh viên đang học ở người ngoài.

***

Đảng ta khẳng định rằng; Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; cuộc đấu tranh của nhân dân ta có quan hệ mật thiết với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Vì thế, Đoàn ta và thanh niên nước ta đã không ngừng hoạt động nhằm ủng hộ phong trào đấu tranh cho hòa bình thế giới và tình đoàn kết hữu nghị giữ các dân tộc, chống chiến tranh xâm lược, chống chủ nghĩa thực dân, ủng hộ phong trào độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Ngược lại, chính sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới đã cổ vũ mạnh mẽ đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân ta.

Trên tinh thần đó, Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam đã làm hết sức mình để thắt chặt tình đoàn kết và hữu nghị với thanh niên và sinh viên thế giới.

Chúng ta đã tham gia tích cực các Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thiế giới (Festival). Đó là Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ V, tổ chức tại Vácsava (Ba Lan) từ ngày 31-7 đến ngày 14-8-1955; lần thứ VI tổ chức tại Matxcơva (Liên Xô) từ ngày 28-7 đến ngày 11-8-1957; lần thứ VII tổ chức tại Viên (áo) từ ngày 26-7 đến ngày 4-8-1959 và lần thứ VIII tại Henxenki (Phần Lan) từ ngày 29-7 đến ngày 6-8-1962. Đây là những hoạt động rất có ý nghĩa không những đối với thanh niên nước ta mà cũng rất có ý nghĩa đối với thanh niên thế giới. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi của nhân dân ta, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ đã cổ vũ mạnh mẽ thanh niên và nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và phản động của chủ nghĩa đế quốc, để duy trì ách áp bức bóc lột đối với các dân tộc, chúng lại áp dụng chủ nghĩa thực dân mới, tiêu biểu là ở miền Nam Việt Nam. Do đó, tuy cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp ở Việt Nam đã kết thúc, nhưng phong trào nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới vẫn diễn ra quyết liệt ở khắp nơi trên thế giới. Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ V (1955) cũng là nhằm mục tiêu đó. Bài học của thanh niên Việt Nam cũng là bài học của thanh niên các nước thuộc địa. Với tinh thần đó, các tổ chức thanh niên Việt Nam đã chuẩn bị tham gia đại hội một cách tích cực. Chúng đã thành lập Uỷ ban trù bị quốc gia. Ngày 23 - 3 - 1955, Hội nghị trù bị của Việt Nam tham gia Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ V đã họp tại Hà Nội, gồm 197 đại biểu đại diện cho Liên đoàn thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, Hội liên hiệp Sinh viên Việt Nam, thanh niên quân đội, thanh niên xung phong, thanh niên miền Nam tập kết,v.v... và các anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam. Tại Vácsava, khẩu hiệu: “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ” đã nhiều lần vang lên.

Trong Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ VI và các đại hội tiếp theo, vấn đề Việt Nam vẫn là một trong những chủ đề lớn được tuổi trẻ  trên khắp hành tinh đặc biệt quan tâm.

Vốn là một nước thuộc địa đã vùng lên chống chủ nghĩa thực dân Pháp thắng lợi, nay vẫn còn nửa nước bị phụ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc, do đó tuổi trẻ Việt Nam rất thông cảm với tuổi trẻ các nước còn nằm trong tình cảnh bị áp bức dân tộc, bị sự đô hộ của ngoại bang. Vì thế chúng ta rất tích cực lên tiếng phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Ngày 20-2-1955 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã ra lời kêu gọi thanh niên Việt Nam đoàn kết và ủng hộ thanh niên các nước thuộc địa và phụ thuộc chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới nhân ngày Quốc tế chống chủ nghĩa thực dân (21 - 2) và đấu tranh đòi đối phương thi hành Hiệp nghị Giơnevơ, đòi tổ chức Hội nghị hiệp thương. Chúng ta nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của thanh niên và nhân dân Angiêri, Ghilê, Cu Ba, Ai Cập, Irắc và nhân dân các nước châu Phi và châu Mỹ La tinh bằng những cuộc mít tinh, biểu tình và những hành động thiết thực, cụ thể khác. Chúng ta đã thiết lập quan hệ hữu nghị với thanh niên các nước Nam Dương (Inđônêsia, ấn Độ và nhiều nước á Phi khác. Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với thanh niên Pháp, thanh niên Lào và Campuchia để chống kẻ thù chung vốn đã có từ lâu, nay lại càng được củng cố chặt chẽ hơn. Hình ảnh anh Hăngri Máctanh và chị Raymôngđiêng - những thanh niên công sản Pháp, những chiến sĩ đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và các thành viên đại diện cho Đoàn thanh niên cộng sản Pháp sang dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ hai đã đem đến cho Đoàn ta và tuổi trẻ nước ta những tình cảm thắm thiết và hữu nghị sâu sắc.

Chúng ta không ngừng ủng hộ và thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới, của Hội Liên hiệp sinh viên quốc tế, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của hai tổ chức quốc tế này. Tháng 2 - 1956, Đoàn Đại biểu Hội liên hiệp sinh viên quốc tế do anh Calô Mina dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam, đem đến cho thanh niên và sinh viên Việt Nam tình cảm chân thành và thắm thiết. Trước khi rời Việt Nam, Đoàn Đại biểu sinh viên quốc tế đã ra tuyên bố khẳng định: “Các bạn sinh viên Việt Nam đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm và bền bỉ cho sinh viên các nước khác trên thế giới”.

Các tin khác