Bài viết is temporarily unavailable.
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

483 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 470

  • Tổng 3.158.773

Giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên cần có sự tham gia của toàn xã hội

Font size : A- A A+
Giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên là hoạt động và nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết đối với tổ chức đoàn, hội trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác này, cần nhìn nhận thực tế tình hình vi phạm pháp luật, thiếu kiến thức về pháp luật trong thanh, thiếu niên ngày càng gia tăng. Ðiều này chứng tỏ công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn những hạn chế và khó khăn cần tháo gỡ.

Thực trạng công tác tuyên truyền pháp luật

Nói về vấn đề này, Bí thư T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Nhận thức chung của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên còn những hạn chế, đó là nhiệm vụ của ngành tư pháp, của tổ chức Ðoàn. Một số đơn vị, địa phương nhận thức đây là công tác của riêng Ðoàn thanh niên. Vì vậy sự quan tâm và đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho lớp trẻ chưa được bảo đảm. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số địa phương còn mang tính phong trào, chưa đi sâu vào những nội dung thiết thực mà thanh, thiếu niên cần. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chậm đổi mới, chưa theo kịp tình hình. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa rõ ràng, dẫn tới hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế.

Tại TP Hải Phòng, mặc dù nhận thức được sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, nhưng đại diện Tỉnh đoàn và Sở Tư pháp thành phố cũng thẳn thắn cho rằng, sự phối hợp đó trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy Ðảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể chưa quan tâm công tác quan trọng này. Việc đầu tư, chỉ đạo, triển khai công tác giáo dục pháp luật cho thanh niên của các cấp bộ Ðoàn với tư cách là một nội dung giáo dục độc lập chưa được thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ các quận, huyện đến cơ sở chưa chặt chẽ, còn chồng chéo, mang nặng tính sự vụ, hình thức, chưa có kế hoạch giám sát cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên pháp luật tại các quận, huyện và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật các phường, xã tại Hải Phòng hầu hết là kiêm nhiệm, năng lực, trình độ còn không ít những hạn chế; trong khi đó, việc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ này thực hiện không thường xuyên, thiếu cơ bản nên đôi lúc việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền cũng như việc tham gia các buổi, đợt triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật xuống cơ sở còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, ở Hà Nội có khoảng hai triệu thanh niên, chiếm 30% dân số thành phố, trong đó có hơn 500 nghìn thanh niên, sinh viên đang học tập tại 64 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của các cơ quan tư pháp, tỷ lệ thanh, thiếu niên phạm pháp chiếm khoảng 50% trong tổng số các vụ việc vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều sinh viên. Nghiên cứu nguyên nhân của sự hình thành các loại tội phạm trong thanh, thiếu niên, đại diện Thành đoàn Hà Nội cho rằng, phần lớn xuất phát từ việc không hiểu biết pháp luật, không biết hoặc cố tình làm trái những quy định của Nhà nước. Ðây là điều đáng báo động cho tương lai nếu như sinh viên, học sinh nói riêng và thanh niên nói chung không được giáo dục pháp luật đầy đủ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...

Một trong những mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật được nhiều nơi triển khai là xây dựng Tủ sách pháp luật, nhưng tại nhiều địa phương hiệu quả khai thác và sử dụng còn thấp, số lượng thanh niên tham gia mượn đọc, nghiên cứu sách, báo pháp luật rất thấp. Mặt khác, kinh phí đầu tư cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn quá hạn hẹp, nhiều địa phương không tạo điều kiện về kinh phí để triển khai hoạt động. Trong khi cơ chế, chính sách, nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ sở Ðoàn còn nhiều khó khăn, các thiết chế văn hóa dành cho thanh niên vừa thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

Cần những hoạt động thiết thực

Nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên trước hết là do thiếu hiểu biết về pháp luật; do vốn sống và hiểu biết xã hội của thanh, thiếu niên còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị lôi kéo, lợi dụng. Mặt khác, tình trạng thanh niên khó khăn trong cuộc sống, thất nghiệp, chưa có việc làm, lao động nông nhàn ra thành phố kiếm sống, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh nhưng không đồng bộ ở nhiều nơi; quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội không ngừng được tăng cường nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt đã có tác động xấu đến lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên trong việc chấp hành pháp luật... Tất cả những vấn đề đó đang trở nên bức xúc, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, toàn xã hội và mỗi gia đình trong nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên.

Nhận thức rõ thực trạng trên, trong những năm qua, nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên đã được chú trọng bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là việc triển khai thực hiện Ðề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015. Ðây là đề án quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2160/QÐ-TTg phê duyệt vào ngày 26-11-2010. Vụ trưởng Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm cho biết: Ðề án phấn đấu 80% số thanh, thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn; 100% số thanh, thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc, học tập phù hợp với lứa tuổi của các em; 80% số thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tái vi phạm pháp luật và tạo điều kiện hòa nhập tốt với cộng đồng....Ðây là những con số, mục tiêu mà nếu đạt được một cách thực chất thì tình hình vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên sẽ được cải thiện rõ nét.

Tuy nhiên, để có thể đạt được những kết quả như mong muốn, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên cần nhận được sự quan tâm, đầu tư và tham gia tích cực, chủ động của toàn xã hội. Các hoạt động liên quan công tác này cần được triển khai thực chất, có kế hoạch riêng và thước đo sự thành công phải được thể hiện bằng ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên trong thực tế cuộc sống...

(Theo ĐTNO)

 

More