Bài viếtअस्थायी रूप से अनुपलब्ध है
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

485 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 13

  • Hôm nay 1561

  • Tổng 3.333.740

Tấm lòng của Bác Hồ đối với phụ nữ Việt Nam

Font size : A- A A+

Khi đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ, phụ nữ là lớp người khổ nhất trong những “người cùng khổ”. Họ không những phải chịu đựng nỗi đau của một người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, phụ nữ không những tham gia kháng chiến mà họ còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Hiện nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phụ nữ vẫn luôn là lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động tạo dựng nên xã hội, nhiều người là lãnh đạo, thủ lĩnh của các cấp, các ngành; trong gia đình, phụ nữ vẫn giữ vai trò là người xây tổ ấm.

Thấu cảm sâu sắc nổi đau khổ tột cùng, sự vất vã gian lao, đức hi sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ đối với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong diễn ca "Lịch sử nước ta", Người đã khẳng định: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Và Người luôn tự hào: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Nhân kỷ niệm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế phụ nữ (8/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên, khen ngợi chị em phụ nữ. Cuối bức thư Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh ra và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta; ghi nhận những cống hiến to lớn của chị em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - Bất khuất-  Trung hậu - Đảm đang”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.

Bác không chỉ nêu lên vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội mà còn là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi bình quyền giữa nam và nữ. Chúng ta đều biết rằng, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 khẳng định: “Sự thật hiển nhiên là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo những quyền này, các chính phủ phải do dân bầu ra, quyền lực là của nhân dân”. Bằng những lời hoa mỹ, Tuyên ngôn đã khẳng định hung hồn như vậy, ấy thế mà phải đợi tới năm 1920 những người phụ nữ ở Mỹ mới giành được quyền đi bầu cử (tức sau 144 năm kể từ ngày giành độc lập). Vậy mà ở Việt Nam, một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ, sau Cách mạng tháng Tám, ngay trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày mồng 6 tháng 01 năm 1946, phụ nữ Việt Nam được thực hiện “nam nữ bình quyền”. Người còn chỉ đạo ban hành Hiến pháp, pháp luật, trong đó quy định rõ quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đó thực sự là nổ lực tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng hành động thiết thực của mình để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Không những thế, Người còn đặc biệt quan tâm tới việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các công việc, đặc biệt tham gia vào các vị trí lãnh đạo. Người chỉ đạo: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Với quan điểm đó, trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn mỗi lần đến thăm các lớp bồi dưỡng cán bộ, thăm các nhà máy xí nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp hoặc dự các hội nghị, chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan sát xem số lượng cán bộ nữ được tham dự hội nghị, tham dự các lớp học ít hay nhiều; số lượng phụ nữ được tham gia công tác quản lý, lãnh đạo là bao nhiêu. Nếu thấy số lượng quá ít, không đảm bảo sự công bằng giữa nam và nữ, Người liền nhắc nhở hoặc nghiêm khắc phê bình thái độ thành kiến, hẹp hòi của các cấp lãnh đạo đối với việc cất nhắc, sử dụng cán bộ nữ. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, Hồ Chí Minh đã nói: “Hội nghị có hơn 200 đại biểu, thế mà chỉ có 5 phụ nữ, trong năm phụ nữ lại không có một phụ nữ dân tộc thiểu số nào…Một cuộc họp như thế này mà quên mất vai trò phụ nữ thì chắc ở các địa phương các chú cũng quên mất vai trò phụ nữ”.

Quan tâm đến phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến cả vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhặt nhưng hết sức khoa học, khách quan, bắt nguồn từ khoa học con người, từ sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm tâm sinh lý, về thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Chính từ sự quan tâm sâu sắc đó, Người đã đề nghị phải tổ chức tốt nhà trẻ, mẫu giáo, bếp ăn tập thể để chị em có điều kiện, thời gian yên tâm tham gia học tập và lao động sản xuất. “Muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo…. Ngoài ra, nên cố gắng tổ chức những nhà ăn công cộng cho tốt để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc”. Đồng thời, Người yêu cầu các cấp lãnh đạo phải bố trí công việc phù hợp với phụ nữ. Có lần Người nhắc nhở: “lãnh đạo không nên để các cháu làm những việc như thế. Con gái có kinh chẳng hạn, trong lúc có kinh lội nước, dần mưa sau này sức khỏe không tốt. Cho nên phân phối công tác cho phụ nữ phải thích hợp”.

Càng trân trọng, bảo vệ phụ nữ bao nhiêu, Người càng kịch liệt phê bình trước tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật. Chuyện rằng, tháng 1-1963, trong phiên họp của Bộ Chính trị để bàn về những vấn đề quan trọng của cách mạng, Người đã đọc một bức thư của một phụ nữ trong cuộc họp này, đó là bức thư một nữ cán bộ cách mạng ở Vĩnh Phúc bị chồng đối xử đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền đoàn thể can thiệp, cán bộ đảng viên thì lẩn tránh. Bác xem đó là tội ác, là tàn dư còn lại tồi tệ nhất của chế độ cũ và yêu cầu cuộc họp ưu tiên giải quyết trường hợp này trước.

Sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn quan tâm tới sự phát triển của phụ nữ được thể hiện càng rõ nét khi Người phê bình: “Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình”. Đồng thời Người khích lệ rằng phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo từ cơ sở đến trung ương, nhiều người rất giỏi, ưu điểm của cán bộ nữ là “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Rồi từ đó, Người động viên, nhắc nhở chị em phải cố gắng vươn lên để “tự giải phóng mình” chứ không được trông chờ vào Đảng và Chính phủ. Một lần, tới một hội nghị, thấy phụ nữ ngồi hết ở dãy ghế cuối. Bác nói: Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải đợi Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh, phấn đấu giành lấy. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải chủ động quyết tâm, khắc phục, khó khăn. “Các cô phải chống phong kiến, chống mê tín dị đoan và hủ tục lạc hậu. Góp phần giải quyết nạn mù chữ, nạn thất nghiệp cho phụ nữ. Các cô đừng tự ti, đừng hay khóc. Cách mạng là phải đấu tranh, đưa nước mắt ra không giải quyết được gì đâu”. “Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được...”. “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”.

Trong các bút danh của Người rất nhiều tên phụ nữ đã xuất hiện, những ngày đi tìm đường cứu nước, Người căm phẩn khi nhìn thấy những thân phận nữ nhi bị chà đạp, khi trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn nổ lực vì sự bình quyền nam nữ. Người đã dành trọn vẹn cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, cho sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Tự hào là đối tượng được Bác Hồ trân quý, tin tưởng, yêu thương, tạo điều kiện bao nhiêu, chúng ta càng phải nổ lực phấn đấu thực hiện lời Bác dặn. Có như thế mới xứng đáng với 8 chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trân quý dành tặng phụ nữ Việt Nam./.

Đoàn Thị Phượng
 

More