Bài viết tạm thời không có.
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

483 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 2861

  • Tổng 3.093.367

VÕ VĂN KIỆT – NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM

Xem với cỡ chữ : A- A A+

86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng và gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, từ khi còn lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long, Tây Nam bộ, Sài Gòn – Gia Định rồi Thành phố Hồ Chí Minh đến khi giữ cương vị lãnh đạo đất nước, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặn đường đấu tranh, hy sinh gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng, oanh liệt và vẻ vang của Đảng và Nhân Dân ta.

Một đời hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc

Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hoà (bí danh Sáu Dân), sinh ngày 23/11/1922 tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, đồng chí tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi trong phong trào Thanh niên phản đế (1938), được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 năm 1939. Trong thời gian Khởi nghĩa Nam Kỳ ông là Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ tại huyện Vũng Liêm. Sau Cách mạng tháng Tám, khi quân đội Pháp tái chiếm Nam Kỳ, Võ Văn Kiệt là Ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ. Từ năm 1946 đến năm 1954, ông là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, sau đó là Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Sau Hiệp định Genève, năm 1955, Võ Văn Kiệt được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ và Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Từ năm 1959 đến cuối năm 1970, ông được giao trọng trách là Bí thư Khu ủy T.4, tức khu Sài Gòn - Gia Định. Ông bắt đầu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam từ Đại hội III (năm 1960). Từ năm 1973 đến năm 1975 ông được điều về làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt được Trung ương Cục phân công giữ chức Bí thư Đảng uỷ đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn. Từ năm 1976 ông là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông cũng được bầu vào Quốc hội Việt Nam khóa VI. Từ sau Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1976), ông được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 1982.

Từ tháng 4 năm 1982 Võ Văn Kiệt được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó chủ tịch và Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng.

Từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 22 tháng 6 năm 1988, ông giữ vị trí Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng qua đời đột ngột. Sau đó khi đưa ra Quốc hội bỏ phiếu bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười trúng cử, do đó ông vẫn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII (tháng 8 năm 1991), Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (thay Đỗ Mười). Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX (1992-1997), ông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Từ tháng 12 năm 1997 đến tháng 4 năm 2001, ông không còn giữ các chức danh trong chính phủ nhưng vẫn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những dấu ấn trong công cuộc đổi mới của đất nước

Từ thuở thiếu thời cho đến khi từ giã cõi đời, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn vững vàng, kiên định, nhiệt tình, năng nổ, sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ cách mạng, được giao nhiều trọng trách, là điển hình của lớp cán bộ trưởng thành từ cơ sở, từ lãnh đạo cấp xã cho đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ. Tâm niệm của ông “Quyền lực không phải ở vị trí mà ở năng lực”. Để hoàn thiện mình, ông luôn tìm tòi học hỏi người đi trước, sau Bác Hồ là các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Với ông, mỗi người có cá tính riêng, mỗi người là tấm gương sáng để ông kính phục, quý trọng noi theo. Dù bất cứ ở giai đoạn nào, giữ bất cứ cương vị gì, đồng chí luôn nỗ lực hết mình, bộc lộ tài năng chói sáng và để lại dấu ấn đáng nhớ, khó phai mờ, đó là “dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng đánh giá về đồng chí Võ Văn Kiệt: “Đánh giá đúng mức và khách quan thì trong các đời Thủ tướng của Việt Nam, kể cả tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều việc và làm được nhiều việc tốt nhất ”.

Đúng như vậy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gắn liền với bao công trình có ý nghĩa then chốt, như: xây dựng công trình thủy điện Trị An; đường dây tải điện 500KV Bắc Nam; điện Thác Mơ, Đa Nhim, Hàm Thuận, Sông Hinh (Phú Yên). Các công trình giao thông có quy mô lớn như: xa lộ Bắc Thăng Long- Nội Bài, cầu Mỹ Thuận, đường cao tốc Láng Hòa Lạc, đường Trường Sơn công nghiệp hóa…

Công trình dầu khí Khu Công nghiệp Dung Quất, giải tỏa hàng trăm công trình trái phép trên đê Yên Phụ xây kè tránh lũ lụt cho Hà Nội.

Với Đồng bằng sông Cửu Long, là công trình thoát lũ khu vực Tứ giác Long Xuyên, khai hoang Đồng Tháp Mười, quy hoạch cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội ở xã Trung Hiệp và thị trấn Vũng Liêm, nâng cấp Quốc lộ 1, xây dựng hệ thống cấp nước sạch ở tỉnh, khôi phục đình Bình Phụng- di tích lịch sử nơi diễn ra Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940.

Chỉnh trang công sở, tạo nếp sống mới trong cán bộ công chức. Chỉ một tấm áo dài, bộ com lê, đôi giày, chiếc cà vạt, tấm biển nhỏ chức danh thay cho bộ bà ba, dép lê… nơi công sở, nhưng đã đem lại hiệu quả nhiều mặt và tất cả cho đến nay đã trở thành nếp sống văn hóa, được cán bộ, Nhân dân ta tự giác thực hiện.

Ở cương vị đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ chú trọng các vấn đề kinh tế, chính trị mà còn rất quan tâm trăn trở tới truyền thống lịch sử, bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp di sản văn hóa dân tộc.

Ông thường gặp các giáo sư hàng đầu Việt Nam khuyến khích động viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo nhằm khắc phục những mặt yếu kém trong phương pháp luận sử học, những hạn chế của tư duy giáo điều, máy móc nhằm nâng cao tính khoa học trong nhận thức lịch sử, trả lại công bằng cho một số nhân vật lịch sử. Tôn vinh những người nước ngoài có công lớn với Việt Nam như Alexandrede Rhodes, Raymon Dien, Morison… 

Ông là một người của hòa giải hòa hợp dân tộc, trong công cuộc đổi mới xây dựng lại đất nước ông nói: “Tổ quốc đâu phải của riêng những người cộng sản, của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào mà của cả dân tộc, của mọi người Việt Nam, của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, mỗi người ai cũng có quyền và trách nhiệm chung tay xây dựng bảo vệ đất nước. Nhận thức của ông, của Đảng ta như vậy nên đã tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết dân tộc thực hiện mục tiêu của mỗi thời kỳ cách mạng.

Làm theo tư tưởng đạo đức của Bác Hồ, ông luôn là người chí công vô tư. Khi hết nhiệm kỳ Thủ tướng, chuyển sang làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng ông đã viết giấy trả lại cho Nhà nước ngôi nhà ở phố Phan Đình Phùng, Hà Nội và về sống ở thành phố Hồ Chí Minh, khi ông qua đời tiền bạc của cải không có gì để lại ngoài ngôi nhà khiêm tốn do thành phố cấp ở đường Tú Xương ông cũng đã có ý định trả lại ngôi nhà này cho thành phố, ông nói: “Mình đi làm cách mạng không có gì đem đi, được dân nuôi đùm bọc che chở, sau khi qua đời cái gì của dân trả lại cho dân là hợp lẽ”.

Với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và người dân không có gì cách biệt, với đồng chí bạn hữu, người thân quen cũ, tình cảm cá nhân của ông đối với họ vẫn như xưa không đổi khác. Với thuộc hạ, người công tác nhất thời có sai phạm, khuyết điểm hoặc bức xúc khác chính kiến, ông thường cảm thông, khoan dung, độ lượng.

Với bạn bè đồng chí làm việc tốt gặp hoạn nạn khó khăn, ông sẵn lòng dành một phần tiền lương của mình, thân chinh đến tận nơi thăm hỏi. Với cán bộ chiến sĩ được phân công nhiều năm làm trợ lý giúp việc cho ông, ông coi như người thân trong gia đình.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi nhiều nơi, trái tim luôn rung động, nhạy cảm sâu sắc trước nỗi đau, nỗi lo riêng của con người, ông đều quan tâm giải quyết bằng nhiều hình thức với khả năng cao nhất của mình. Tác phong sâu sát, cụ thể, lòng nhân ái của ông đã khắc sâu trong tâm trí nhiều người, trong mọi tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài.

Ảnh hưởng của ông không chỉ có ở trong nước mà còn có ở tầm cỡ quốc tế. Hãng tin NHK Nhật đã đánh giá: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà chính trị lỗi lạc, nhà ngoại giao đại tài, và là một kiến trúc sư ưu tú của tiến trình đổi mới Việt Nam phát triển theo kinh tế thị trường”.

Đồng chí Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; một nhân cách lớn, một tấm gương cộng sản suốt đời vì Nước, vì Dân. Suốt cả cuộc đời, đồng chí đã có những cống hiến xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo./.

Phạm Quốc Thành

Trường Chính trị Quảng Bình

--------

  1. Chất ngọc Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chiến Thắng, NXB Trẻ TPHCM, N.2022
  2. Võ Văn Kiệt – Người thắp lữa, Nguyễn Chiến Thắng, NXB Trẻ TPHCM, N.2022
  3. Đồng chí Võ Văn Kiệt – dấu ấn sâu đậm trong lòng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TPHCM, N.2022.

Các tin khác