Bài viết tạm thời không có.
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

483 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 128

  • Tổng 3.074.352

Chương X

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHƯƠNG X
CÁC PHONG TRÀO “BA SẴN SÀNG”, “NĂM XUNG PHONG” THỂ HIỆN Ý CHÍ KIÊN CƯỜNG VÀ QUYẾT TÂM CỦA THANH NIÊN CẢ NƯỚC VÌ THẮNG LỢI CỦA SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

Ngày 5-8-1964 sau khi gây ra sự kiện “vịnh Bắc Bộ”, Mỹ cho không quân tiến hành đánh phá một số điểm trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam (Vinh, Thanh Hóa, Quảng Ninh…) mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trắng trợn xâm phạm chủ quyền một quốc gia độc lập. Cả nước căm phẫn trước tội ác leo thang chiến tranh của Mỹ. Từ trong các xí nghiệp, công trường, nhà máy, trên các đường phố, cơ quan, các thôn xóm… ở đâu thanh niên cũng sục sôi khí thế sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lịch sử.

Bốn ngày sau, đêm 9-8-1964, 26 vạn thanh niên Thủ đô Hà Nội đã xuống đường lên án hành động phiêu lưu chiến tranh của Mỹ. Từ quảng trường Nhà hát thành phố (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám) lớp lớp thanh niên công nhân, nông dân, trí thức, học sinh… ba lô trên vai, lá ngụy trang đầy người rầm rộ diễu hành qua các đường phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ… biểu thị quyết tâm sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao cho.

Tại hội trường Bộ Công nghiệp Nặng (đường Hai Bà Trưng) ngọn lửa truyền thống được tuổi trẻ đốt lên khi Ban Chấp hành Thành Đoàn Hà Nội kêu gọi đoàn viên và thanh niên vươn lên hàng đầu trong chiến đấu, lao động và học tập… kiên quyết thực hiện “Ba sẵn sàng”:

- Sẵn sàng chiến đấu.
            - Sẵn sàng nhập ngũ.
            - Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần đến!

Từ Hà Nội, phong trào nhanh chóng lan rộng đến các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An… Chỉ trong vòng một tháng đã có 1.500.000 đoàn viên và thanh niên đăng ký thực hiện “Ba sẵn sàng”. Riêng Sơn La, một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây của Tổ quốc, sau khi phong trào “Ba sẵn sàng” được phát động một tháng đã có 40 ngàn đoàn viên và thanh niên đăng ký tham gia, trong đó có 19 ngàn đăng ký tình nguyện tòng quân lên đường giết giặc.

Trước hành động leo thang chiến tranh của Mỹ, đêm 2-1-1965, hơn 5 vạn thanh niên Hà Nội lại xuống đường, một lần nữa biểu thị quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thanh niên các đường phố, các xí nghiệp, trường học… tự tổ chức thành đội ngũ, vai khoác ba lô, lá ngụy trang đầy người, vũ khí trong tay… hừng hực khí thế “Ba sẵn sàng”, rầm rập đi trên các đường phố chính, tổng duyệt lực lượng.

Từ đó những cuộc hành quân vũ trang liên tiếp được tổ chức trên các đường phố, trong các ngõ xóm và trở thành phong trào rèn luyện “vai trăm cân, chân ngàn dặm”, chuẩn bị sẵn sàng khi Tổ quốc cần, có đủ ý chí và sức khỏe lên đường chiến đấu được ngay.

Phát huy khí thế hào hùng của tuổi trẻ, đầu năm 1965, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam đã ra Nghị quyết về công tác “Đẩy mạnh sản xuất và tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”, quyết định đẩy mạnh phong trào tình nguyện “Ba sẵn sàng” khắp miền Bắc với nội dung mới, thể hiện đầy đủ nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên trước yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ IX (khóa III) họp từ ngày 4-7 tháng 5-1965 do đồng chí Bí thư thứ nhất Vũ Quang chủ trì đã quyết định nhiệm vụ của Đoàn thanh niên yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tổ chức động viên 4 triệu đoàn viên và thanh niên miền Bắc tiến lên hàng đầu trên mặt trận sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Nhiệm vụ chủ yếu đó nêu rõ các cấp bộ Đoàn và toàn thể đoàn viên, thanh niên phương hướng hành động trên ba mặt cụ thể: Sản xuất và bảo vệ sản xuất; chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; học tập và rèn luyện. Nội dung phong trào “Ba sẵn sàng”, vì thế được bổ sung, hoàn thiện thêm:

- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng nhập ngũ (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ).
            - Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào.
            - Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến.

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng quan tâm lãnh đạo phong trào có tính cách mạng sâu rộng này của Đoàn và tuổi trẻ. Hội nghị lần thứ XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III, họp tháng 3-1965) trong khi nêu lên nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân đã vạch rõ nhiệm vụ của Đoàn: “Đối với Đoàn cần đẩy mạnh phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung và hình thức mới”. Ngày 29 tháng 7 năm 1965 Ban Bí thư Trung ương Đảng lại ra chỉ thị số 105-CT-TW “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động thanh niên trong tình hình mới” khẳng định thanh niên là một lực lượng to lớn có giác ngộ XHCN, có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, có sức khỏe, nếu được tổ chức giáo dục và lãnh đạo tốt sẽ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng XHCN. Cho nên, “vấn đề đặt ra cho các cấp ủy Đảng và các ngành là phải dựa vào Đoàn TNLĐ với hơn 1 triệu đoàn viên mà tổ chức, động viên cho được 4 triệu thanh niên nam nữ trên miền Bắc tiến lên hàng đầu trên mặt trận sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tích cực bảo vệ miền Bắc XHCN và góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”.

Bản chỉ thị đã chỉ ra cho tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên những nhiệm vụ cụ thể trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, đồng thời coi việc ra sức củng cố Đoàn TNLĐ và tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên là một đảm bảo để các tầng lớp thanh niên không ngừng phấn đấu vươn lên làm tròn sứ mệnh lịch sử lực lượng xung kích đi hàng đầu trong nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Là người tổ chức, rèn luyện các thế hệ thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến từng bước đi lên của tuổi trẻ. Nhân ngày 20-7-1965, Người kêu gọi thanh niên “Các cháu thanh niên gái cũng như trai hãy thực hiện tốt “Ba sẵn sàng”, xung phong hiến dâng tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”.

Cũng vào thời điểm này, nhân dịp Quốc khánh lần thứ XX của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên thanh niên. Bác khen ngợi: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng”, đồng thời Bác căn dặn thanh niên “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”. Tại lễ kỷ niệm trọng thể lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn (26-3-1931 - 26-3-1966), Bác Hồ kính yêu, đồng chí Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn (khóa III), đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác đã đến với tuổi trẻ. Bác Hồ dạy: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”.

Đánh giá cao vai trò xung kích cách mạng của tuổi trẻ và luôn đặt rõ vị trí của thanh niên trong tiến trình cách mạng, đặc biệt vào lúc cả nước ở trong tình trạng trực tiếp chiến đấu chống Mỹ, tại Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tin tưởng trao cho thế hệ trẻ lá cờ mang dòng chữ: “Vì chủ nghĩa xã hội, vì lý tưởng cộng sản, thanh niên anh dũng tiến lên!”.

Tuân theo lời dạy của Bác Hồ và chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân Ngày Kỷ niệm thành lập Đoàn, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã ra lời kêu gọi đoàn viên và thanh niên phát huy khí thế “Ba sẵn sàng”, hăng hái tiến lên hàng đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, quyết đem lá cờ trăm trận trăm thắng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại tới đích thắng lợi cuối cùng. Tại buổi lễ trang trọng này đã vang lên lời thề “Ba sẵn sàng” chống Mỹ, cứu nước:

“Vì nghĩa vụ thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước.
            Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
            Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc.

Chúng ta thề:

1. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dù phải đánh 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, dù phải hy sinh gian khổ đến mức nào, chúng ta cũng quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.
        2. Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
        3. Kiên quyết thực hiện “Ba sẵn sàng”
        - Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang.
        - Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào.
        - Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.

***

Ở miền Nam nước ta vào thời điểm này cục diện chiến trường có những chuyển biến mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ ngày 17 đến ngày 26-3-1965 Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ nhất đã tiến hành tại vùng căn cứ kháng chiến Tây Ninh. Đại hội đã kiểm điểm công tác xây dựng Đoàn và phong trào thanh niên từ sau ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ (1954) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên miền Nam giai đoạn tới.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (khóa III) đã trực tiếp tham dự và chỉ đạo Đại hội. Sau khi nghe báo cáo tổng kết của BCH Trung ương Đoàn TNND cách mạng (lâm thời) và báo cáo bổ sung của các địa phương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phát biểu với Đại hội. Đồng chí phân tích rõ tình hình và đề ra cho thanh niên miền Nam 5 nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Thấu suốt những vấn đề đang đặt ra cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên miền Nam, Đại hội đã khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn TNNDCM trong giai đoạn trước mắt: “Đánh giặc, sản xuất, xây dựng đời sống mới ở vùng giải phóng, đoàn kết và tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành lực lượng hậu bị của Đảng” và quyết định phát động sâu rộng trong đoàn viên và thanh niên trên toàn miền phong trào “Năm xung phong”.

1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.
            2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.
            3. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến.
            4. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.
            5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Cũng vào thời gian này, ở Liên khu V, Đoàn TNNDCM cũng đã tiến hành Đại hội Đoàn toàn Liên khu đánh dấu bước phát triển của phong trào thanh niên miền Trung trong giai đoạn mới của cách mạng.

Tháng 6-1966, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNNDCM ra nghị quyết đẩy mạnh phong trào “Năm xung phong” lên một bước mới với khí thế “Phất cao cờ Năm xung phong, thanh niên thành đồng thừa thắng xông lên đánh bại hoàn toàn Mỹ - Ngụy”. Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của tuổi trẻ miền Nam là cầm súng giết giặc tham gia du kích địa phương và tòng quân. Nhiệm vụ ấy xác định cụ thể là “phải xung phong tiêu hao, tiêu diệt nhiều hơn nữa sinh lực địch bao gồm quân Mỹ, ngụy, chư hầu và mọi phương tiện chiến tranh của chúng. Đó là nhiệm vụ vinh quang trước nhất của thanh niên trong các lực lượng vũ trang, đồng thời đó cũng là nhiệm vụ của người thanh niên bất cứ ở đâu. Khi trên đất nước thân yêu còn một căn cứ địch, còn một bóng giặc xâm lăng thì thanh niên ta còn phải phát huy sáng kiến tiêu hao, tiêu diệt chúng, từ những hình thức đơn sơ thông thường nhất cho đến những hình thức cao là trực tiếp cầm vũ khí.

“Ba sẵn sàng”“Năm xung phong” là những phong trào hành động cách mạng tiêu biểu của thế hệ trách nhiệm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Phong trào có sức cuốn hút đông đảo đoàn viên và thanh niên trên mọi miền đất nước, ở mọi vị trí công tác, sản xuất, chiến đấu, học tập cũng như nghiên cứu… Khí thế “Ba sẵn sàng”, tinh thần “Năm xung phong” được bộc lộ rõ trên mọi lĩnh vực hoạt động. ở đâu có đoàn viên và thanh niên là ở đó có khí thế sôi nổi “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”.

Biểu hiện rõ nét nhất là tinh thần sẵn sàng tòng quân, đi thanh niên xung phong, sẵn sàng tham gia chiến đấu, chiến đấu dũng cảm. Tòng quân, đi TNXP trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ trên mọi miền đất nước. ở Quảng Ninh 5 anh em họ Trương, con một gia đình công nhân ở mỏ than Hòn Gai đã đứng chung một lá đơn, thiết tha xin được nhập ngũ. 4 anh em trong một gia đình họ Nguyễn ở Hà Nội đều là sinh viên đề đạt một nguyện vọng chung xin ra tiền tuyến nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và quân đội giao phó. Cũng ở Hà Nội, còn có 28 anh chị em ruột, anh chị em con bác, con chú, trong gia đình đồng chí Nguyễn Thị Minh (ở quận Ba Đình) đã cùng đứng một lá đơn thiết tha xin được nhập ngũ và tái ngũ. Có nhiều lá đơn gửi đến Hội đồng nghĩa vụ quân sự thiết tha xin được nhập ngũ đã viết bằng máu.

Đứng trước tình hình đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, vận mệnh Tổ quốc đứng trước những thử thách quyết liệt, tháng 7 năm 1966, Hội đồng Quốc phòng nước ta đã họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó căn cứ vào quyết định của Hội đồng Quốc phòng tối cao và ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố Lệnh động viên cục bộ, “động viên một bộ phận sĩ quan, binh sĩ dự bị và một bộ phận công dân thuộc ngạch dự bị nhưng chưa phục vụ tại ngũ” để tăng cường lực lượng quốc phòng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Lệnh động viên cục bộ và Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau đó (17-7-1966) nhân ngày đấu tranh thống nhất nước nhà, cổ vũ mạnh mẽ tuổi trẻ “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” sục sôi ý chí cách mạng, giục giã mọi người hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang, đánh giặc cứu nước. Phong trào tòng quân, đi thanh niên xung phong càng trở nên sôi động. Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên ở Bộ Lương thực đã mở hội nghị gia đình thảo luận và  nhất trí để 15 người con, cháu, dâu, rể gia nhập hoặc trở lại quân đội. 5 anh em Bùi Đình Hồng, Việt kiều vừa về nước đã xung phong đi bộ đội cùng một lúc. ở xã Hải Thịnh, một xã phần lớn đồng bào theo đạo Thiên chúa của huyện Hải Hậu (Nam Định) chỉ trong một đợt tuyển quân đã có tới hơn 10 trường hợp phải dàn xếp vì chưa đủ tiêu chuẩn nhập ngũ hoặc thuộc diện miễn hoãn. Trong đó có 2 người lấy máu mình viết đơn xin nhập ngũ: Đỗ Nguyện và Trần Văn Thỏa. Đỗ Nguyện người bé nhỏ đã hai lần lên đường đều phải quay về, Đến lần thứ ba, anh nhất định không chịu rời đơn vị. Trần Văn Cảnh gặp một hoàn cảnh khác. Gia đình anh đã có 3 người đi bộ đội. Cảnh phải nhờ tới người anh công tác tại ủy ban hành chính xã nói hộ, vẫn không kết quả. Anh quyết định cứ hành quân theo đơn vị. Mãi 2 tháng sau anh mới đạt được nguyện vọng. Nhiều em thiếu nhi chưa đến tuổi nhập ngũ, nhưng sợ sau này lớn lên không còn cơ hội được đánh Mỹ, đã khai tăng tuổi để đi khám tuyển. Nhiều học sinh phổ thông, sinh viên đại học phát huy truyền thống của cha anh đã “xếp bút nghiên” để được lên đường đánh Mỹ.

Trong phong trào tòng quân, bên cạnh việc không ngừng tuyên truyền, giáo dục làm cho đoàn viên và thanh niên nhận rõ âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, tàn bạo của kẻ địch, nâng cao lòng căm thù giặc, nâng cao ý chí chiến đấu, xây dựng tinh thần dám xả thân vì nghĩa lớn… tổ chức Đoàn ở nhiều cơ sở còn có những hình thức động viên, cổ vũ tuổi trẻ. Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ, Vĩnh Phúc) có phong trào “Trai đất tổ mở đội tòng quân”. Hải Hưng (nay là Hải Dương, Hưng Yên), Thái Bình, Nam Hà (nay là Nam Định, Hà Nam) và nhiều địa phương khác có “Ngày hội tuổi trẻ bàn việc nước”… qua đó tổ chức Đoàn nắm được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, chủ động phối hợp cử những người có đủ tiêu chuẩn tham gia các lực lượng vũ trang. Nhiều hình ảnh có sức cổ vũ mạnh mẽ tinh thần thanh niên lên đường chiến đấu được phát huy, mang lại nhiều hiệu quả: viếng nghĩa trang liệt sĩ, ghi sổ vàng truyền thống trồng cây lưu niệm… Các tổ chức Đoàn cơ sở còn phát huy vai trò chủ động trong việc giáo dục, sắp xếp lực lượng thanh niên làm nghĩa vụ quân sự. Cùng với việc động viên tinh thần tự nguyện đăng ký mỗi lần có đợt tuyển quân, Đoàn còn lập danh sách những thanh niên sắp đến tuổi tòng quân, lập các đội dự nhiệm cho những thanh niên đã được lựa chọn, sẵn sàng lên đường khi có lệnh. Nhiều tổ chức Đoàn còn kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với các gia đình, đảm bảo sự công bằng trong việc thực hiện chính sách của Đảng.

Yêu cầu của công tác tuyển quân ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng, về sức khỏe, trình độ văn hóa và kỹ thuật chiến đấu. ở Hòa Xá (huyện ứng Hòa, Hà Tây) Đảng bộ chính quyền xã đã tổ chức khám sức khỏe loại cho những người từ 18 đến 35 tuổi. Những người sức khỏe loại một được sung vào đơn vị sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến, được mệnh danh “bộ đội làng”, thường xuyên  được bồi dưỡng nâng cao thể lực, tổ chức rèn luyện hành quân xa, mang vác nặng, học tập kỹ thuật chiến đấu để khi cần lập tức lên đường chiến đấu. Những người sức khỏe loại hai trở thành du kích, trực chiến trận địa. Những người còn lại vào dân quân xã làm nhiệm vụ canh phòng.

Ngày “bộ đội làng” lên đường trở thành bộ đội chính quy thật sự là một ngày hội. Gia đình, người thân chọn trong dãy tre đằng ngà bao quanh làng kháng chiến cũ những đoạn thẳng nhất, làm thành những chiếc gạy gửi theo các chiến sĩ ra tiền tuyến gọi là “gậy Trường Sơn”, Những người ở lại, vợ hoặc người yêu, được tặng chiếc nhẫn thủy chung, có khắc con số “500”, là kỷ niệm chiếc máy bay thứ 500 bị bắn rơi trên miền Bắc, do dân quân Hòa Xá bắn hạ ngày 17-7-1967.

Năm 1968, sau khi kiểm tra, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam ra quyết định công nhận Hòa Xá là xã có phong trào tòng quân khá nhất và phát động các địa phương làm như Hòa Xá.

Trong phong trào học tập và làm theo Hòa Xá, thanh niên các địa phương đã sáng tạo nhiều hình thức phong phú, cổ vũ tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, động viên hàng triệu đoàn viên và thanh niên lên đường ra trận, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chỉ riêng tỉnh Hà Tây, trong hơn 10 năm từ 1965 đến 1975, đã có trên 17 vạn lượt thanh niên tòng quân chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong đó có 68 tiểu đoàn được tổ chức hoàn chỉnh, tập luyện thành thạo kỹ, chiến thuật chiến đấu được giao thẳng cho mặt trận. Đợt tuyển quân năm 1965 tỉnh đã huy động trên 25.000 thanh niên nhập ngũ, bằng tổng số thanh niên đi bộ đội trong 10 năm, từ 1954 đến 1964. Năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết định, chỉ một đợt giao quân trong quí I, tỉnh đã đã vượt kế hoạch cả năm, với số quân gấp 2 lần năm trước, kịp thời chi viện cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhiều thanh niên Hà Tây ra đi theo tiếng gọi “Ba sẵn sàng”, chiến đấu trên khắp các chiến trường, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu là anh hùng LLVT Trịnh Tố Tâm. Anh tòng quân khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong cao trào “Ba sẵn sàng” và vào ngay chiến trường ác liệt nhất, Trị Thiên - Huế. Tại đây anh đã cùng đơn vị chiến đấu mưu trí, dũng cảm, diệt hơn 1.500 tên Mỹ-Ngụy, phá hủy 61 xe quân sự, đánh lật 19 đoàn xe của địch. Riêng Trịnh Tố Tâm đã diệt 272 tên địch, trong đó có 185 tên Mỹ, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay lên thẳng, được tặng thưởng 20 huân chương các loại và 53 lần được công nhận danh hiệu “Dũng sĩ”.

Làm tốt công tác động viên thanh niên tòng quân di thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tổ chức Đoàn thanh niên ở các cơ sở đặc biệt coi trọng công tác hậu phương quân đội. Nhiều hình thức hoạt động phong phú được phát huy như thường xuyên chăm sóc, sửa sang nghĩa trang liệt sĩ, quan tâm giúp đỡ các gia đình có người đang tại ngũ. Nhiều nơi còn có sáng kiến phân công từng gia đình thương binh, bộ đội cho từng nhóm đoàn viên, thanh niên để tiện theo dõi chăm sóc giúp đỡ, nhất là đối với những gia đình neo đơn, gặp nhiều khó khăn. Nhiều đoàn viên và thanh niên đã không quản khó khăn, vất vả, hàng ngày dành thời gian đến giúp đỡ những gia đình có người đang đi chiến đấu.

Với phong trào “uống nước nhớ nguồn”, nhiều cơ sở Đoàn còn tổ chức xây dựng những công trình “đền ơn đáp nghĩa”, những ao cá, những hàng cây, những giếng nước, nhà tắm… tặng thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội, TNXP. Nhiều nữ thanh niên đã tình nguyện đảm việc nhà, phụng dưỡng bố mẹ già, nuôi dạy con nhỏ để chồng yên tâm lên đường đi chiến đấu. Từ trong phong trào đã xuất hiện không ít những “cô dâu” tương lai sẵn sàng đến gánh nước, nấu cơm, đảm việc nhà, đỡ đần các bà “mẹ chồng”. Không ít nữ thanh niên tuy mới chỉ hứa hẹn với nhau, nhưng trong lúc người yêu đang chiến đấu ở chiến trường xa, không có tin tức vẫn một lòng chờ đợi, còn dành thời gian giúp đỡ gia đình bạn trai như một cô dâu thảo hiền. ở một số cơ sở, nữ thanh niên còn có phong trào tình nguyện lấy thương binh, coi đó là vinh dự, là niềm hạnh phúc đáng tự hào. Khởi đầu từ năm 1966, trong thanh niên xã Mường Hung (Sông Mã, Sơn La) đã có 36 nữa thanh niên đăng ký lấy chồng là thương binh. Lò Thị Đôi, Lò Thị Nhọt (Mộc Châu), Nguyễn Thị Thành (công nhân vắt sữa Nông trường Sao Đỏ), và nhiều chị em khác, tuổi đời còn rất trẻ vẫn đăng ký tình nguyện lấy chồng là thương binh từ hạng 3 trở lên.

Làm tốt công tác hậu phương, thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ, các gia đình có con em đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự cũng sẵn sàng động viên conem mình làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc. ở huyện Sông Mã (Sơn La) chỉ trong một đợt tuyển quân đã có 990 gia đình làm đơn tình nguyện cho con em gia nhập lực lượng vũ trang. Bà Lừ Thị La (Yên Châu - Sơn La) đã có 4 con đi bộ đội, vẫn tình nguyện đưa người con thứ 5 lên đường đi đánh Mỹ.

Công tác Trần Quốc Toản của các em thiếu niên, nhi đồng cũng được đẩy mạnh. Các em thường làm nhiệm vụ quét dọn nhà cửa, chăm sóc lợn gà, vườn tược cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bộ đội, kết bạn học tập với các em thuộc diện gia đình chính sách, giúp đỡ các em yếu kém vươn lên…

Ở miền Nam, những năm đánh Mỹ, tuổi trẻ là đối tượng chủ yếu mà đế quốc Mỹ và tay sai tìm đủ mọi cách đầu độc ru ngủ bằng các thủ đoạn thâm độc, trắng trợn, tàn bạo nhằm làm nhụt chí khí đấu tranh, phá hoại về tinh thần và tư tưởng, làm suy kiệt cả thể chất, đưa dần thanh niên vào con đường thoái hóa, hư hỏng đi đến phản dân hại nước, phục vụ âm mưu đen tối, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Giành và giữ thanh niên trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong mọi công tác của tổ chức Đoàn. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNNDCM, xuất phát từ tình hình nhiệm vụ cụ thể của miền Nam đã đề ra công tác trọng tâm trước mắt của Đoàn là “tích cực bảo vệ, giành và giữ thanh niên. Kiên quyết đập tan kế hoạch bắt lính đôn quân của địch”.

Cùng với những cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, chống tuyên truyền lừa bịp và xuyên tạc, đòi quân Mỹ rút về nước, đánh đổ ngụy quyền tay sai bán nước… các cuộc đấu tranh chống bắt lính, chống bắt tập quân sự nổ ra liên tiếp với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, có những nơi cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, phong trào tòng quân và tham gia du kích của thanh niên càng phát triển. Có những xã ở tỉnh Kiến Phong, tỉnh Long An, trong khi địch đang tiến hành bình định lấn chiếm, dồn bắt thanh niên đi lính, vào phòng vệ dân sự vẫn có hàng trăm thanh niên đi tòng quân và tham gia du kích. Hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng trong điều kiện địch đánh phá ác liệt vẫn thường xuyên xấp đủ tân binh bổ sung theo yêu cầu phát triển lực lượng địa phương và cung cấp nhiều tân binh cho lực lượng chủ lực toàn miền. Hai tỉnh Bến Tre và Mỹ Tho hàng tháng có từ 100-200 thanh niên tòng quân, góp phần xây dựng nên những đơn vị chủ lực lớn của quân đội cách mạng, đáp ứng đòi hỏicủa chiến trường. Riêng Mỹ Tho (ngày nay là tỉnh Tiền Giang) trong 2 năm 1967 - 1968 đã có 13.800 đoàn viên và thanh niên lên đường nhập ngũ. ở các xã Cẩm Sơn, Mỹ Thiện… có đến 80% số thanh niên đến tuổi đã lên đường đi chiến đấu.

Từ năm 1965 đến năm 1968, tuổi trẻ liên khu 5 đã có 2 khóa tòng quân tập trung. Khóa Nguyễn Văn Trỗi, kéo dài trong 2 năm 1965-1966, có trên 28.000 cán bộ, đoàn viên và thanh niên nhập ngũ, góp phần lập nên hai sư đoàn quân chủ lực, sư đoàn 3 (thành lập tháng 9-1965) và sư đoàn 2 (thành lập tháng 11-1965). Chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tổ chức Đoàn các tỉnh thuộc liên khu 5, lại phát động cao trào tòng quân “xông lên giành chính quyền, thanh niên quyết thắng”, với 25.000 đoàn viên và thanh niên nhập ngũ.

Có nhiều hình ảnh sinh động xuất hiện trong phong trào tòng quân, như vợ mới cưới tiễn đưa chồng đi làm nhiệm vụ, cha dẫn con ra mặt trận,v.v… Có những gia đình lần lượt 5-7 anh chị em hy sinh, còn lại người con út chưa đủ tuổi, vẫn thiết tha được lên đường cầm súng. ở Mộc Ninh, bà mẹ Lê có 2 người con trai đến tuổi quân dịch, bà đã tìm cách che giấu cho con suốt 4 năm trời, đến ngày quê hương được giải phóng, bà đã vui vẻ dẫn cả 2 con đến giao cho cách mạng, còn lại một mình ở nhà sản xuất.

Thấy rõ việc đưa thanh niên đứng hẳn về phía cách mạng và hình thức triệt để nhất để bảo vệ thanh niên, các tổ chức Đoàn cơ sở đã đặc biệt coi trọng việc vận động trách nhiệm đấu trah chống bắt lính, chống đôn quân, đẩy mạnh công tác binh vận và dịch vận, làm tan rã từng mảng lớn hàng ngũ địch, nhất là đấu tranh chống phá hình thức tổ chức phòng vệ dân sự, vận động thanh niên trả súng, không canh gác, không tập quân sự. Nhiều nơi tổ chức phòng vệ dân sự của địch tan rã từng mảng đến tan rã hoàn toàn, địch phải tốn nhiều công sức lập đi lập lại vẫn không duy trì được.

Thấy rõ bộ mặt tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hầu hết thanh niên ta đều không muốn đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng. Nhưng cũng không ít thanh niên chưa mạnh dạn đứng lên đấu tranh. Một số còn ngần ngại gian khổ không dám ra vùng giải phóng. Phần đông số thanh niên này đã chống bắt lính bằng những hình thức như: lánh né, làm giấy tờ giả, lo lót tiền bạc, thậm chí có người đã tự thương, chặt đứt cả ngón tay… Một số thanh niên khác, tích cực hơn tổ chức thành những lõm trốn lĩnh, và cả lính trốn, làm hầm bí mật có vách ngăn làm hai, tủ quần áo cũng được làm thành 2 ngăn, vừa đảm bảo chống bắt lính, vừa che giấu cán bộ hoạt động bí mật khi cần thiết. ở nhiều nơi ngoài việc trốn tránh để khỏi bị bắt lính, thanh niên còn tự trang bị vũ khí như lựu đạn, súng ngắn… để tự bảo vệ khi địch lùng bắt.

Với hành động chống bắt lính tích cực, ngay cả trong thời kỳ địch bình định lấn chiếm quyêt liệt nhất, thanh niên xã Mỹ Long (ngày nay thuộc tỉnh Tiền Giang) vẫn còn được bảo vệ. Cả 240 thanh niên của xã không có một người nào bị bắt lính. Lúc đầu tổ chức Đoàn thanh niên của địa phương hướng dẫn những thanh niên trong số bà con thân thích của cán bộ Đoàn vào các lõm địa hình thành ăn ở, sinh hoạt. Dần dần số thanh niên vào trụ bám trong địa hình ngày càng đông. Cả một số binh sĩ địch và phòng vệ dân sự đào ngũ cũng vào sống trong lõm du kích. Họ tự lực xây dựng cụm ăn ở, gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Từng bước, tổ chức Đoàn động viên, giáo dục các đối tượng thanh niên, vận động họ cùng tham gia công tác cách mạng. Hầu hết thanh niên đều vào các đội du kích, tham gia cài lựu đạn bảo vệ lõm địa hình, đánh địch khi chúng càn vào căn cứ, một số khác tòng quân.

Thông qua phong trào “Năm xung phong”, nhiều cơ sở Đoàn đã kiên trì tổ chức, tập hợp thanh niên theo những hình thức thích hợp: Hội những người đá banh, đội văn nghệ thanh niên, tổ thanh niên xung phong chống bắt lính, tổ thanh niên tuyên truyền xung phong, tổ thanh niên xung phong cung ứng chiến trường, đội TNXP cơ sở,v.v… Nhiều thanh niên đã từng vào phòng vệ dân sự của địch, khi được giáo dục giác ngộ  đã hăng hái tham gia du kích, tham gia diệt ác phá kềm. Xã Vĩnh Tường (Long Mỹ) có cả một liên toán phòng vệ dân sự khởi nghĩa, chuyển thành lực lượng du kích với 39 súng. ở Bắc Long An có 6 thanh niên bị bắt vào phòng vệ dân sự đã tự đặt tên: Quyết - Tâm - Bảo - Vệ - Tổ - Quốc, rồi diệt ác mang súng trở về với cách mạng tham gia du kích đánh địch. Không chỉ thanh niên vùng giải phóng, vùng giáp ranh hăng hái tòng quân mà ngay ở các vùng bị địch tạm chiếm sâu như ở Thới Bính thanh niên cùng tìm mọi cách để ra vùng giải phóng tham gia công tác cách mạng. Có 3 thanh niên trong một ấp chiến lược đã phá rào ra đồng nằm chờ 3 ngày 3 đêm để liên lạc với cách mạng, xin đi chiến đấu.

Phối hợp với phong trào “Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch”, mũi đấu tranh chính trị cũng được đẩy mạnh. Sau thất bại của Mỹ trong mùa khô  1965-1966, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ Ngụy quân, ngụy quyền, nhân dân, học sinh, sinh viên Huế đã xuống đường chống chính sách lệ thuộc Mỹ của Thiệu - Kỳ. Sinh viên, học sinh đã chiếm Đài phát thanh Huế (ngày 23-3-1966), hàng ngày phát đi khắp thế giới tin tức đấu tranh bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Cuộc đấu tranh thu hút cả lực lượng địch cùng tham gia. 1.600 cảnh sát ngụy tham dự mít tinh đã tuyên bố đứng vào hàng ngũ “lực lượng tranh thủ cách mạng”.

Ở Đà Nẵng hàng vạn nhân dân, thanh niên lao động và học sinh, sinh viên đã xuống đường hô vang khẩu hiệu chống độc tài, đòi Thiệu - Kỳ từ chức, đòi Mỹ không được can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đòi chúng rút về nước. Ngụy quyền ở thành phố tê liệt, quần chúng đứng lên tự quản, làm chủ Đài phát thanh Đà Nẵng, thành lập tổ học sinh cảm tử, biệt động và đội công nhân vũ trang trấn áp bọn ác ôn phản cách mạng. Cả thành phố bãi công, bãi thị. Học sinh phá Phòng thông tin Mỹ. Trước khí thế của quần chúng, Mỹ buộc phải rút hết 30.000 lính và người Mỹ ra Hạm đội 7. Thiệu - Kỳ đưa quân từ Sài Gòn ra, nhưng trước khí thế của quần chúng, hơn nữa chưa có lệnh của quan thầy Mỹ, lại rút về. Ngày 6-4 từ Huế 2 tiểu đoàn “thanh niên quyết tử miền Trung” vượt qua hàng rào phong tỏa của địch đến chi viện cho thanh niên và nhân dân Đà Nẵng.

Sau 76 ngày đêm nhân dân giành quyền làm chủ, ngày 15-5, Mỹ dàn xếp ổn thỏa với Thiệu - Kỳ, chúng cho 6 tiểu đoàn có máy bay và xe bọc thép yểm trợ đã đánh chiếm lại các vị trí ở Đà Nẵng. Tháng 6-1966, Thiệu - Kỳ chuyển quân ra đàn áp ở Huế, nhân dân thành phố đưa bàn thờ Phật ra đường và tổ chức phong trào đấu tranh quyết liệt chống lại chúng. Tại Sài Gòn trong phong trào “chống nội chiến miền Trung”, bàn thờ Phật được dựng ở phòng tuyến ngã Bảy, Bàn Cờ, và Sư Vạn Hạnh. ở Đà Lạt, ngày 28-3-1966, học sinh các trường Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo, Bồ Đề… và học sinh Đại học Đà Lạt bãi khóa, kéo đến Phòng thông tin Mỹ đưa yêu sách, đòi Mỹ rút khỏi Đà Lạt. Cuộc đấu tranh nhanh chóng trở thành phong trào chống Mỹ, chiếm đài phát thanh, chiếm giữ khu chợ Hòa Bình. Địch huy động quân biệt động, cảnh sát dã chiến đàn áp. Ngày 21-4 học sinh xuống đường tuần hành đưa tang, biến đám tang thành cuộc đấu tranh chống Mỹ và Ngụy quyền tay sai. Thanh niên học sinh tổ chức những “đêm không ngủ”, “đốt lửa trại nhìn rõ mặt kẻ thù”, tổ chức tòa án xử tội phạm chiến tranh Giônxơn, Mắc Namara, Taylo, Thiệu-Kỳ. Cuộc  đấu tranh làm chủ thành phố kéo dài đến 15-5-1966 mới chấm dứt. Nhân dân các thị xã Phan Rang, Phan Thiết, Buôn Ma Thuột… bãi công, bãi thị ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân và thanh niên Đà Lạt. ở Nha Trang, thanh niên và nhân dân biểu tình ủng hộ đồng bào và thanh niên Đà Lạt và phản đối Thiệu-Kỳ bán quân cảng Cam Ranh cho Mỹ.

Trong những năm chiến đấu chống Mỹ, giao thông vận tải đã trở thành một mặt trận nóng bỏng. Các tuyến đường huyết mạch, các bến phà, cầu cống đã bị máy bay địch đánh phá tới trên 80 nghìn trận, chiếm gần 70% số trận chúng đánh phá miền Bắc. Mức độ đánh phá ngày càng ác liệt, qui mô đánh phá ngày càng mở rộng. Chúng sử dụng tất cả những loại máy bay tối tân, hiện đại nhất từ F105, đến F111A, cả siêu pháo đài bay B52… sử dụng đủ các loại bom, kể cả bom từ trường, la de, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, đánh phá cả ngày cũng như đêm với nhiều thủ đoạn chiến thuật xảo quyệt, nhằm chặn đứng việc chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải thật sự “là một thiên anh hùng ca” theo như lời đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói.

Chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải những năm kháng chiến chống Mỹ có đủ các lực lượng, bộ đội công binh, bộ đội hậu cần, công nhân ngành GTVT, nhân dân các địa phương… đông đảo hơn cả là lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước.

Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước là một lực lượng lao động đặc biệt mang tính chất quần chúng, xung kích và quân sự hóa, với 3 nhiệm vụ được xác định là: sản xuất, chiến đấu và học tập. TNXP chỉ nhận những nhiệm vụ khó khăn gian khổ và cấp bách nhất. Trước hết là nhiệm vụ trung tâm đột xuất: Mở đường mới và đảm bảo giao thông trên các điểm quan trọng. Chỉ tính từ ngày thành lập đội TNXP chống Mỹ, cứu nước đầu tiên đến giữa năm 1968, các đơn vị TNXP nhiệm kỳ I đã mở 15 tuyến đường mới, 200 đoạn đường tránh. Tổng cộng khoảng gần 1.000 km, mở rộng và nâng cấp khoảng 345 km; xây dựng trên 500 công trình bao gồm cầu, cống, ngầm, đập, bến bãi, đường băng sân bay; phụ trách đảm bảo giao thông trên những quãng đường dài khoảng 1300 km. Tổng khối lượng đất đá do lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước nhiệm kỳ I đào đắp khoảng trên 10 triệu 300 ngàn mét khối.

Với ý chí “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” và “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước đã dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, ngày đêm lăn lộn với đường, với cầu, thật sự trở thành lực lượng xung kích đáng tin cậy trên những con đường ra trận.

Đại đội 759 thuộc đội 75 TNXP Quảng Bình thành lập tháng 6-1965 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên tuyến đường 12A. Chỉ tính đến tháng 6-1966, máy bay Mỹ đã đánh vào tuyến đường do đơn vị phụ trách 663 trận, với 5570 quả bom. Bình quân mỗi đội viên trong đơn vị phải hứng chịu 40 quả bom lớn, không thể kể bom bi, rốc két, đạn 20 ly.

Với chiến thuật đánh dứt điểm, địch tập trung đánh phá vào một đoạn đường hiểm yếu, một bên núi cao, một bên vực sâu dài 2 km quanh co. Chúng đánh liên tục 60 ngày đêm. Bình quân 4-5 trận/ngày, trong đó có 43 lần chúng đánh vào đội hình đơn vị. Có lần địch rải xuống tuyến đường 157 quả bom, chỉ 10 quả trúng đường, nhưng khối lượng đất đá phải giải quyết lên tới gần 1.400 m3, vì chúng dùng chiến thuật tập trung đánh vào sườn núi, làm sạt gần nửa quả đồi xuống tuyến đường, đến mức một chiến sĩ thấy đất đồi sụt đến đâu anh trèo vượt lên tới đó. Trèo đến ngọn cây rồi đất vẫn tiếp tục sụt, lấp đến nửa người anh.

60 ngày đêm địch đánh phá liên tục tuyến đường, thì 45 ngày đêm TNXP đại đội 759 rời doanh trại, tổ chức ăn ngủ ngay trên tuyến, với phương châm: Bám sát tuyến đường như quân giải phóng miền Nam bám thắt lưng địch mà đánh. Địch đánh rừng già thì ra đồi trọc, địch đánh đồi trọc thì ra sát tuyến, xây dựng hầm hào kiên cố, bám trụ lâu dài. Tiểu đội 6 do Nguyễn Thị Kim Huế làm tiểu đội trưởng, suốt 60 ngày đêm không lúc nào vắng mặt trên tuyến. Nơi nào khó khăn nguy hiểm, nơi đó có mặt tiểu đội 6. Tất cả đều chung ý chí sắt thép: “Còn đất là còn đường!”.

Lần đầu địch đánh bom nổ chậm vào tuyến đường, đơn vị chưa ai có kinh nghiệm phá bom. Nguyễn Thị Kim Huế không ngần ngại xung phong vào phá. Những đội viên nam thấy thế cũng làm theo. Từ đó bom nổ chậm không còn cản trở được công việc ứng cứu đường của TNXP đại đội 759. Khi địch tập trung đánh dứt điểm, khối lượng phải giải quyết rất lớn. Để kịp thông xe, Nguyễn Thị Kim Huế đưa ra sáng kiến cạp bờ hố bom, mở đường tránh cho xe vượt qua. Đường thông, cả tiểu đội 6 lại tình nguyện gác bom nổ chậm, làm cọc tiêu sống dẫn đường cho xe qua trọng điểm.

Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất, đại đội 759 và Nguyễn Thị Kim Huế được Nhà nước tuyên dương Anh hùng, là tập thể và cá nhân đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng của lực lượng TNXP, cổ vũ mạnh mẽ TNXP chống Mỹ, cứu nước hăng hái thi đua lập công.

Cùng đội 75 có Lê Viết Lân, TNXP đại đội 754. Địch đánh bom nổ chậm, có quả trúng gần tim đường. Nếu phá được bom, đường sẽ hỏng, không đảm bảo kịp thông xe. Lân đề xuất phương án tìm cách lăn quả  bom ra khỏi tuyến đường và xung phong nhận nhiệm vụ nguy hiểm đó. Lợi dụng một gờ đất, anh dùng xà beng bẩy thử. Bom bị kích thích, nóng dần lên. Không để bom nổ làm hỏng đường, Lân dùng bộc phá buộc vào phía dưới thân bom, châm lửa, để bộc phá nổ hất quả bom lên khỏi mặt đường trước khi nổ. Vừa chạy được 20 mét, bom nổ, hất anh ngã xuống. Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên anh hỏi là: “Đường có làm sao không”.

Lê Viết Lân là người phá bom nổ chậm đầu tiên của TNXP. Anh cũng là người đầu tiên tìm được giải pháp giải phóng đôi vai cho đơn vị, đưa năng suất lao động lên 150-180%. Chưa đầy 1 năm gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước, tháng 3-1966, Lê Viết Lân đã được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, được bầu là Chiến sĩ thi đua xuất sắc đi dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất (1-1967).

Mở đường, giữ đường là những nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước phục vụ trong ngành giao thông vận tải. Nhiều tuyến đường do TNXP góp phần tạo nên có ý nghĩa rất lớn trong việc phá thế độc tuyến để có thể thực hiện phương châm: “Địch đánh ta cứ đi” thay cho việc “Địch đánh ta sửa ta đi”. Nhiều tuyến đường được mở trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt của địa hình, của thời tiết… Như tuyến đường 10 (còn có tên gọi đường 20/7) chạy từ Lèn áng (Lệ Thủy, Quảng Bình) đi dần lên đỉnh Trường Sơn, ở độ cao 1.000 mét so với mặt biển.

Con đường được mở trong điều kiện bí mật hoàn toàn. Đường mở đến đâu được ngụy trang kỹ tới đó. Nhưng kẻ địch vẫn đánh hơi thấy. Thường xuyên chúng cho máy bay do thám OV10 rà thấp và thả cây nhiệt đới (một loại cây có gắn máy phát tín hiệu điện tử từ xa) cùng lực lượng thám báo để phát hiện lực lượng của ta. Hễ phát hiện thấy có hiện tượng khả nghi lập tức chúng phát tín hiệu gọi máy bay phản lực đến đánh phá. Chúng thả xuống tuyến đường đủ các loại bom, đạn. Sử dụng cả siêu pháo đài bay B52 rải thảm liên tục trong 4-5 ngày liền.

Tất cả các đơn vị TNXP tham gia mở đường đều bị đánh phá ác liệt, kể cả nơi ăn ở, đường đi, về. Dụng cụ, đồ đạc, quân trang của nhiều đơn vị bị đánh tan nát. Riêng gạo ăn bị đánh cháy nên thức ăn của anh em từ chỗ 21 kg/tháng phải rút xuống còn 18 kg, rồi 15 kg, 12 kg. Thậm chí có tháng chỉ được ăn 6 kg gạo. Tết Mậu Thân 1968, mồng một Tết, các đội viên nữ mỗi người được chia 1 cái kẹo, còn nam giới mỗi người được chia 1 điếu thuốc lá để ăn Tết.

Lực lượng tham gia mở đường gồm các đại đội xung kích của các đội 43, 41, 45, 39, 37, 35 TNXP của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Hà, Thanh Hóa của nhiệm kỳ I. Đến nhiệm kỳ II bổ sung thêm TNXP của các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Nghệ An, Hà Tây. Ngoài lực lượng thanh niên xung phong còn có các cán bộ, công nhân kỹ thuật của Bộ GTVT và bộ đội biệt phái sang. Thời gian cao điểm có tới 60 đại đội TNXP cùng làm nhiệm vụ mở đường.

Với phương châm “Địch đánh rừng già, ta ra rừng non, địch đánh rừng non ta ra sát tuyến”, các đơn vị TNXP làm nhiệm vụ mở đường luôn nêu cao tinh thần bám chắc tuyến đường. Mọi sinh hoạt đều chuyển xuống dưới hầm. Các đơn vị thường tổ chức thi đua theo từng chủ đề như: “Toàn đoàn quyết chí lập công vượt sông thông tuyến”; “Toàn đoàn cầm vững tay cương quất ngựa lên đường về thăm quê Bác”; “Phen này quyết chí lập công dâng Bác không thua bạn bè”… Nhờ đó năng suất không ngừng tăng, đảm bảo tiến bộ mở đường, góp phần tạo nên mạng lưới đường chiến lược nối liền hậu phương với tiền tuyến, kịp thời phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968 và chiến dịch đường 9 - Nam Lào.

Chiến công nổi bật trong mở đường và giữ đường của TNXP chống Mỹ, cứu nước (tập trung) phải kể đến lực lượng tham gia trên tuyến đường Quyết Thắng (còn có tên đường mòn Hồ Chí Minh, đường Thống Nhất). Trong đó chủ yếu là TNXP 2 đội: 23 (TNXP Hà Tĩnh) và 25 (TNXP Nam Hà). Cả 2 đội TNXP 25 và 23 đều có mặt trên tuyến đường từ những ngày đầu, phối hợp cùng bộ đội công binh đồng loạt ra quân “chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Nhiều đoạn đường phải mở qua vực sâu, đèo cao xe cơ giới không thi công được. Đoạn vượt dốc Đồng Tiền là một vách đá cheo leo. TNXP phải bám từng vỉa đá, treo mình lơ lửng trên vách, đục đá, nổ mìn tạo thành một hàm ếch, dài tới hơn nửa kilômét.

Một cán bộ kỹ thuật giao thông từng làm đường từ thời thuộc Pháp, khi tham gia khảo sát con đường đã ước tính thông được đường nhanh lắm cũng phải mất 3 năm. Khi con đường được mở xong (tháng 11-1966) ông đã phải kinh ngạc thốt lên: “Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể làm nổi con đường trong thời gian ngắn như vậy!”.

Mở đường đã khó, nhưng giữ vững con đường là một chiến công thấm đẫm máu của không ít TNXP. Ngay khi con đường đang được mở, ngày 13-3-1966, địch đã phát hiện ra con đường vượt qua đỉnh Trường Sơn và lập tức cho máy bay đánh phá. Các đội viên TNXP đội 25 đang thi công trên tuyến, bị đánh vào đội hình. Lần đầu tiên 8 đội viên hy sinh.

Con đường vừa mở, địch đã tập trung đánh phá có tính hủy diệt. Cua chữ A, nằm trên đoạn đường Km 79, chạy quanh co theo bình độ của núi, một bên vách núi cao, một bên vực sâu. Đường gấp khúc, do đó hình thành A mẹ và A con. Một loạt bom thả xuống có thể phá hỏng cả 2A. Mỗi ngày chúng thường đánh vào trọng điểm từ 15-20 trận. Có thời gian chúng đánh liên tục 32 trận bằng máy bay chiến lược B52. Có trận chúng thả xuống hàng trăm tấn bom. Có đêm chúng thả liên tục 500-700 quả pháo sáng. Trọng điểm lúc nào cũng sáng rực như ban ngày.

Từ một rừng cây cổ thụ xanh tươi, cua chữ A biến thành màu đỏ quạch, màu nâu thẫm, màu đen xạm của tro bụi thuốc bom đạn địch. Ngót chục kilômét vuông đồi núi mấp mô dày đặc hố bom như một tổ ong khổng lồ, trơ trụi. Đất đá bị cày xới, biến thành một chất bột đen xỉn, đi bộ lội ngập ống chân.

Cuộc chiến giữ vững cua chữ A trong mọi tình huống trở thành một thử thách khắc nghiệt đối với các đội viên TNXP. Mới đầu đơn vị không muốn các đội viên nữ lên làm nhiệm vụ. Nhưng trong lửa đạn không một ai lại chịu mình phải ở tuyến sau. Khi được lên sát cánh chiến đấu bên cạnh các đội viên nam, các đội viên nữ càng nỗ lực bằng mọi cách để tự khẳng định mình. Gặp bom nổ chậm chị em cũng bàn nhau tìm cách phá để khỏi phải nhờ đến các đội viên nam. Nhưng quả bom trúng tim đường. Nếu cho nổ bom sẽ phá hỏng đường, khối lượng đất đá lớn khó lòng đảm bảo thông xe trong đêm. Nguyễn Thị Liễu, cô gái Nam Hà phải trốn theo đơn vị ngày nào đã đề xuất cách gói mìn theo hình phễu, tra kíp thuận chiều, dùng áp lực của bộc phá đẩy quả bom lên trên mặt đất mới nổ. Cái khó là phải đào một hố sâu phía dưới thân bom. Cuốc xẻng không đào được. Liễu xung phong dùng dao quì xuống bên quả bom, một tay ôm thân bom, tay kia luồn xuống phía dưới moi đất đá để bộc phá. Bom nổ, chỉ để lại một hố sâu bằng chiếc nón trên mặt đường.

Chỉ trong một thời gian ngắn trên tuyến đường Quyết Thắng đã hình thành nhiều trọng điểm hết sức ác liệt, K68, K59, K12 (dốc Đồng Tiền)… Có những trọng điểm nằm trên đoạn đường cua gấp khúc. Chỉ cần một loạt bom cũng có thể phá hỏng tới 3 km đường. Có trọng điểm như ở K59 (km 59) có đêm chúng tập trung đánh phá tới 38 trận (đêm 11-10-1968), làm khoảng 6000 m3 đất đá đổ ụp xuống mặt đường. Trọng điểm K12, vốn từ một vách đá cao dựng đứng được tạo thành con đường xuyên qua một hàm ếch. Kẻ địch nham hiểm dùng rốckét phóng vào vách đá. Mùa mưa đến chúng dùng bom phá đánh xuống đỉnh núi, làm từng khối đá bị rốckét bắn vữa, đổ ụp xuống. Đến nỗi lấp cả nửa dòng suối Xuân Sơn chảy phía dưới con đường. Chúng đã tập trung đánh vào trọng điểm trong một đợt kéo dài 3 tháng 14 ngày (từ 16-7 đến 30-10-1968) tới 16.253 quả bom. Có 4273 quả trúng đường, 500 quả trúng vào lán trại của TNXP.

Trong hoàn cảnh ác liệt TNXP đội 25 luôn “lấy tim đường làm chiến trường, lấy quyết chiến điểm làm trận địa”, ngày đêm bám đường sáng tạo nhiều phương pháp thích hợp, đảm bảo thông xe trong mọi tình huống, nâng chỉ tiêu thông xe từ 15 đến 20 rồi 30 đêm một tháng. Từ sáng kiến của đại đội 5 toàn đội đã áp dụng chiến thuật “3 tổ một đội” và biện pháp 3 nhanh (nghĩa là một đội ứng cứu đường chia làm 3 tổ: tổ trinh sát đi trước đào lỗ chôn mìn, tổ lấp và đốt mìn, tổ san lấp hố bom. Biện pháp 3 nhanh là: tiếp cận nhanh, giải quyết nhanh và rút nhanh). Nhờ đó lực lượng được rải thưa, hạn chế được thiệt hại khi tiếp cận mục tiêu bị địch đánh phá, đồng thời đảm bảo nhanh chóng thông xe. TNXP đội 25 còn sáng tạo phương pháp đánh mìn định hướng, kết hợp máy gạt san lấp, đưa năng suất lấp một hố bom 100 m3 mất 50-60 người làm trong một đêm mới xong, xuống chỉ còn 5-7 người lấp trong 2 tiếng đồng hồ, đảm bảo vượt chỉ tiêu thông xe, dù đường bị địch liên tục đánh phá ác liệt với nhiều thủ đoạn tinh vi, “bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn”, cũng chỉ bị tắc giờ, không bị tắc đêm.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước (tập trung) đã làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên 3.000 km đường, trong đó có 2.526 trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Nhiều trọng điểm của các tuyến đường đã gắn liền với các đơn vị tiêu biểu và những chiến công nổi bật của TNXP chống Mỹ, cứu nước, như trọng điểm Cầu Cấm nằm trên tuyến đường 1A, do đơn vị TNXP 333, Tổng đội TNXP Nghệ An chốt giữ. Riêng năm 1968 không quân Mỹ đã đánh vào địa bàn hoạt động của đại đội 881 trận, ném xuống 21.104 bom phá các loại, 267 bom bi mẹ, 1127 tên lửa, tàu chiến Mỹ pháo kích vào tuyến đường 54 trận với 1265 quả đại bác.

TNXP đại đội 333 nêu quyết tâm “Dù máu ngừng chảy, quyết không để đường tắc, xe ngừng chạy”, ngày đêm bám đường, bám cầu đảm bảo thông xe thông tuyến trong mọi tình huống. Ngày 27-1-1969, đơn vị vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen. Bác viết: “Suốt 4 năm nay, Đội TNXP số 333 nhận nhiệm vụ làm đường, sửa cầu ở một nơi địch thường đánh phá ác liệt, có nhiều khó khăn, gian khổ.

Đội gồm phần lớn là các cháu gái, đã dũng cảm chiến đấu, tích cực lao động, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo cầu đường được thông suốt luôn.

Các cháu đã đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau, khiêm tốn học hỏi các chú công nhân và bộ đội, được đồng bào thương yêu. Các cháu đã chăm học chính trị, văn hóa và làm văn nghệ khá, biết giữ gìn sức khỏe tốt, đảng viên và đoàn viên trong đội gương mẫu. Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu…”

Cùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trọng điểm Truông Bồn, nằm trên đường 15, giáp giới giữa 2 huyện Đô Lương và Nam Đàn đã gắn liền với sự tích 12 cô gái của tiểu đội thép đơn vị 300 TNXP Nghệ An dũng cảm hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

Truông Bồn là một trọng điểm lợi hại. Hai bên là sườn núi cao, đồi dốc, giữa chỉ có một con đường độc đạo chạy qua dài tới 5 km, là yết hầu của tuyến giao thông, trở thành một túi bom, thành “cửa tử”. Chỉ tính riêng 4 tháng, từ tháng 6 đến 10-1968 máy bay Mỹ đã đánh xuống Truông Bồn 2692 quả bom.

Chính trong những thời điểm địch đánh phá ác liệt, các cô gái Truông Bồn trong tiểu đội thép đã đưa hàng ngàn xe qua trọng điểm. Có những đêm đến 438 lượt xe qua lại, họ vẫn hướng dẫn xe đi an toàn trên quãng đường truông dài 5 km. Trời tối, đèn gầm của xe sợ lộ, không dám bật, các đội viên TNXP lấy bẹ chuối rải trên mặt đường làm cự cho xe vượt qua trọng điểm. Nhưng bẹ chuối trắng cũng bị nát, lấm bùn. Các đội viên TNXP lại lấy thân mình, mặc áo trắng, chạy trước xe để dẫn đường, hết chiếc này đến chiếc khác.

Mỗi trọng điểm trên các tuyến đường đều gắn với những chiến công của TNXP chống Mỹ, cứu nước.

Trọng điểm đèo Đá Đẹo trên đường 15 gắn với tên tuổi người con gái anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp, xông xáo giữ kho đạn bị máy bay địch đánh phá mở đường máu cứu hàng, cứu xe.

Trọng điểm đèo Mụ Dạ, trên đường 12, nơi rèn luyện nên người bí thư chi bộ thép Nguyễn Thị Nậy, chỉ một chiến dịch 67 ngày đêm bảo vệ tuyến đường đã có 4 lần bị sức ép, 7 lần bị thương, 9 lần bị vùi lấp vẫn liên tục bám tuyến.

Trọng điểm khe Giao, khe út, đường 21, chiến trường lập công của anh hùng Nguyễn Trí Ân, chỉ được học hết lớp 3 phổ thông, gia nhập lực lượng TNXP mới được học hết lớp 7 BTVH, nhưng không một loại bom hiện đại nào có thể khuất phục được anh. Với cương vị tiểu đội trưởng trinh sát phá bom, anh đã bình tĩnh quan sát chính xác và cắm tiêu báo hiệu 432 quả bom nổ chậm và bom từ trường, tự tay dùng mìn, bộc phá và dụng cụ bằng kim khí phá 32 quả bom nổ chậm và từ trường, cùng đồng đội phá 113 quả, gỡ được 3 quả.

Nổi bật là trọng điểm ngã ba Đồng Lộc, thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Chỉ tính riêng trong 240 ngày, từ tháng 3 đến tháng 10-1968, không quân Mỹ đã trút xuống ngã ba nhỏ hẹp này 43.600 quả bom, trong đó có 6.000 quả bom từ trường và bom nổ chậm.

Trong thời gian ác liệt đó, La Thị Tám, cô gái tuổi hai mươi, công nhân ngành giao thông Hà Tĩnh được phân công làm nhiệm vụ trinh sát đếm bom. Khó khăn và nguy hiểm. Lúc bom rơi dù ở sát bên mình vẫn phải hết sức tỉnh táo để không bỏ sót một quả bom chưa nổ nào không được đánh dầu trên bản đồ. Và La Thị Tám đã không phụ lòng tin của đơn vị, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Cùng chiến đấu trên ngã ba Đồng Lộc và cùng được tặng danh hiệu Anh hùng với La Thị Tám là Đại đội TNXP 551 (đội 55-TNXP Hà Tĩnh) và 10 cô gái Đồng Lộc huyền thoại (đại đội 552, đội 55).

10 Cô gái ngã ba Đồng Lộc gồm:

1. Võ Thị Tần, 22 tuổi, Tiểu đội trưởng
            2. Hồ Thị Cúc, 20 tuổi, Tiểu đội phó
            3. Võ Thị Hợi, 20 tuổi, Đội viên
            4. Nguyễn Thị Xuân, 20 tuổi, Đội viên
            5. Dương Thị Xuân, 19 tuổi, Đội viên
            6. Nguyễn Thị Rạng, 19 tuổi, Đội viên
            7. Nguyễn Thị Nhỏ, 19 tuổi, Đội viên
            8. Võ Thị Hà, 19 tuổi, Đội viên
            9. Hà Thị Xanh, 19 tuổi, Đội viên
            10. Trần Thị Hường, 19 tuổi, Đội viên.

Trong 10 cô gái chỉ có Võ Thị Tần và Hồ Thị Cúc là TNXP nhiệm kỳ I được lưu lại, 8 đội viên còn lại đều thuộc TNXP nhiệm kỳ II, nhập ngũ giữa năm 1968. Tất cả đều ngã xuống trên mặt đường trong khi đang khẩn trương san lấp hố bom để kịp đón đoàn xe quan trọng vượt qua trọng điểm.

Chiến tranh càng khốc liệt công tác vận tải càng đặt ra cấp bách và cũng đặc biệt nguy hiểm. Nhiều tuyến vận chuyển không thể dùng cơ giới, TNXP chống Mỹ, cứu nước (tập trung) là lực lượng chủ yếu trực tiếp chuyển hàng vào chiến trường và chuyển thương binh.

Để làm tròn nhiệm vụ vận chuyển phần lớn đều phải vượt qua những chặng đường hiểm trở, núi cao dốc thẳm, địch thường xuyên rình rập. Có lần đại đội 10, K53 TNXP Hà Tây đang gùi hàng xuyên qua rừng già, tán cây che kín mặt. Nghe tiếng máy bay trực thăng của địch, anh em vẫn yên tâm đi. Không ngờ chúng thả biệt kích thám báo phát hiện ra con đường bí mật. Máy bay phản lực của chúng ập đến trút bom chặn đầu, chặn đuôi. Bom, đạn rốc két đánh thẳng vào đội hình đơn vị, 3 đội viên hy sinh.

Đường bị lộ, đơn vị phải mở con đường bí mật khác đi sâu vào cánh rừng già. Khi đi phải tự mở lối, lúc về phải dựng cây lên để xóa dấu vết. Cứ thế ngày này qua tháng khác, các đội viên TNXP K53 (gồm 3 đại đội của 3 tỉnh: Ninh Bình, Hà Tây, Nam Hà) lặng lẽ làm nhiệm vụ trên một tuyến chuyển tải chỉ với hai vai và đôi chân. Năng suất được nâng dần lên, từ 30-40 kg/người những ngày đầu, lên 60-76 kg/người. Tính ra mỗi người một năm cũng chuyển được trên 10 tấn hàng ra tiền tuyến. Nhưng sự hy sinh cũng không nhỏ. Chỉ riêng đại đội Ninh Bình, có 100 đội viên, đã có 52 người hy sinh tại chiến trường, 20 người bị thương.

Những ngày đầu tham gia lực lượng chuyển tải, TNXP đội 23 (Hà Tĩnh) gặp không ít gian nan. Là đơn vị có nhiệm vụ chuyển tải lương thực cho chiến trường, nhưng đơn vị thường xuyên thiếu gạo ăn (theo kỷ luật chiến trường các đơn vị không được sử dụng hàng kế hoạch). Địa hình khắc nghiệt. Ngày nắng, nắng như đổ lửa. Ngày mưa, mưa tầm tã suốt ngày đêm, áo quần mặc trên người không bao giờ được khô. Các đội viên TNXP vẫn không ngừng tăng cân, tăng chuyến. Vì ai cũng hiểu rõ “mỗi kilôgam lương thực, vũ khí vào chiến trường là quân dân miền Nam bớt xương máu”. Mỗi trạm chuyển tải cách nhau 4 tiếng đồng hồ đi bộ, cả đi và về qui định 1 ngày. Nhưng các đội viên TNXP đã tổ chức đi 2 chuyến, 3 chuyến. Năng suất từ 20-30 kg/người tăng lên 40-50 kg/người. Nhiều đội viên vừa mang vừa vác đến 50-60 kg. Riêng Nguyễn Thị Nguyệt, đại đội 3 năng suất lên 60-70 kg. Kết thúc chiến dịch chị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và cũng là đội viên TNXP chống Mỹ, cứu nước đầu tiên được tặng thưởng huân chương.

Trong chiến dịch vận tải đó (chiến dịch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1965), TNXP đội 23 đã vận chuyển, giao cho các đơn vị quân đội trên chiến trường 25.000 tấn lương thực, hàng trăm kiện hàng lớn nhỏ, hàng ngàn quả đạn pháo các loại, được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trên một tuyến chuyển tải khác, đại đội 202, đội 241 TNXP Nghệ An được tăng cường cho tuyến lửa Quảng Bình, thường xuyên phải vượt qua suối sâu, qua đèo Trụt Thai, qua dốc Khỉ… dốc cao gần thẳng đứng, người đi trước như đạp lên đầu người đi sau. Có đoạn chỉ cách vị trí địch 4 km. Chúng dùng một loại máy bay bay thấp và chậm, có trang bị một súng 12,7 ly và một trung liên, thường xuyên săm soi dọc tuyến. Hễ phát hiện được mục tiêu, chúng dừng may bay tại chỗ nhả đạn. Nhiều lần đang cáng thương vượt tuyến gặp pháo kích các đội viên TNXP đã phải nằm đè lên thương binh để thương binh không bị thương lần thứ hai. Một lần như thế, Lê Thị Tứ đã bị thương vào đầu gối. Cô vẫn giấu mọi người tự băng bó cho mình và tiếp tục nhiệm vụ cáng thương. Chỉ với một chiếc gậy Trường Sơn, một nắm cơm vắt, ngày này qua ngày khác, TNXP đại đội 202 đã bền bỉ chuyển từng chuyến thương binh ra tuyến ngoài an toàn. Nhờ rút bớt người đi một ca (trên giao 6 người/ ca, TNXP đại đội 202 đi 4 người/ca) có hôm đơn vị đã chuyển được 15-16 ca thương binh ra tuyến ngoài.

Trên mặt trận chuyển tải, thanh niên xung phong giải phóng miền Nam càng có những đóng góp đáng kể. Chỉ tính riêng ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam - Đà Nẵng) trong năm 1966, lực lượng TNXP giải phóng địa phương đã chuyển được 14.360 tấn hàng. Nhiều đơn vị nhờ tổ chức tốt đã đưa năng suất bình quân lên gấp 3-4 lần, từ 2 tấn lên 6-7 tấn/ngày.

Trên tuyến đường 1C dài hàng trăm kilômét, không dân cư, toàn đồng hoang rừng vắng, bị chia cắt thành nhiều tuyến do đồn bốt địch. Chúng lập cả một khu chiến thuật riêng chuyên đánh phá hành lang vận chuyển trên tuyến đường 1C. Có tháng chúng đổ quân đánh phá suốt cả 30 ngày không nghỉ. Có ngày máy bay địch bắn phá tới 15-17 lần. Các tuyến lộ, sông không ngày nào không có tàu hoặc bộ binh địch ngăn đón… Các đội TNXP giải phóng của 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ: Hòn Đất, Nguyễn Viết Khái II, Nguyễn Viết Khái III, Mai Thanh Thế, Tây Đô… đã bền bỉ, dũng cảm và mưu trí vừa đánh địch để bảo toàn lực lượng, bảo toàn tuyến chuyển tải, vừa không ngừng tăng năng suất hoàn thành xuất sắc từng nhiệm vụ.

Những ngày đầu mới tập kết, hầu hết đội viên TNXP đều ở độ tuổi từ 15-20, có đến 3/4 là nữ của các tỉnh đồng bằng trù phú, chưa quen cuộc sống khắc nghiệt của vùng rừng núi, mùa mưa lầy lội, ẩm ướt, muỗi, đỉa, vắt… như trấu. Chỉ một đợt sốt rét rừng ở núi Cô Tô đã quật ngã 100% quân số của đơn vị. 11 đội viên đã chết vì không có thuốc điều trị. Hầu hết đội viên nữ đều bị rụng tóc. Có đơn vị phải đóng quân giữa một vùng nước ngập tới bụng, không một gò đất khô, suốt ngày phải ngâm mình dưới nước, kể cả những chị em đến tháng. Cứ như vậy kéo dài trong thời gian 6 tháng. Địch phong tỏa gắt gao. Nhiều lần gạo hết phải ăn cháo, ăn rau bông súng, môn nước, củ nèo. Có lần các đơn vị đóng quân ở vùng núi Cô Tô 27 ngày liền không có gạo ăn, trong đó có 7 ngày liền chỉ được ăn rau muống…

Gian khổ ác liệt nhưng tuyến đường vận chuyển hàng chiến lược không một ngày ngừng hoạt động, liên tục trong một ngàn ngày đêm. Đội Nguyễn Viết Khái II suốt 3 tháng liền (tháng 10, 11, 12-1967) chỉ nghỉ 5 ngày để xây dựng căn cứ. Năng suất lao động ngày càng được nâng cao. Mới đầu 2 đội viên chống 1 xuồng, đã nâng lên 1 đội viên chống 1 xuồng chở 300-400 kg. Từ 2 đội viên đẩy 1 xe (loại xe cút kít) rút xuống 3 người đẩy 2 xe, chở 600-700 kg. Nhiều đội viên đi phục vụ liên tiếp 27 đêm liền trong một tháng.

Không chỉ đảm bảo vận chuyển hàng chiến lược, liên đội còn phải chiến đấu để tự bảo vệ và bảo vệ hàng. Cùng đơn vị bạn diệt hàng ngàn tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay. Riêng liên đội trực tiếp chiến đấu 45 trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 200 tên địch, bắn rơi 4 máy bay, bắn bị thương 3 chiếc khác. Đội viên Trần Thị Thoa, 15 tuổi, ở đội Mai Thanh Thế, trong lúc đơn vị đi làm nhiệm vụ, ở nhà một mình, trực thăng địch đổ quân đánh chiếm doanh trại đơn vị, đã kiên cường bám trụ, chiến đấu mưu trí, dũng cảm đẩy lùi cả đại đội địch, bảo vệ được doanh trại. Lê Văn Dè, một mình chiến đấu với 1 tiểu đoàn địch trên bờ xáng trống trải, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của 300 tên địch, diệt 17 tên, có 2 tên Mỹ.

Chuyển tải là nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng TNXP giải phóng miền Nam. Các liên đội TNXP tập trung dài hạn của miền thường xuyên gắn bó với các đơn vị chủ lực quân giải phóng như hình với bóng. Với phong trào “4 tăng, 5 giảm, 3 rút ngắn, 10 bảo đảm” liên đội 9 luôn tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng những điển hình về thồ hàng, cáng tải thương, thực hiện khẩu hiệu “mạnh vai tải, vững tay thồ, công binh giỏi, chiến đấu cừ” phù hợp với từng đợt phục vụ, đưa năng suất lên ngày một cao, từ 2-5 tấn/ngày, lên 20 tấn/ngày vẫn đảm bảo dẻo dai và liên tục.

Liên đội 7, thời gian đầu phối thuộc với sư đoàn 7 giải phóng chủ yếu cáng thương, tải hàng chiến lược, sau chuyển về đoàn hậu cần chủ yếu thồ hàng. Liên đội đã tổ chức “tuần lễ đồng hóa kỹ thuật” nhằm luyện thuần thục tay thồ. Liên đội thường xuyên chuyển tải hàng trên tuyến hành lang gay go ác liệt. Trung bình mỗi tuần liên đội phải chịu đựng 3 lần máy bay chiến lược B52 rải thảm vào đội hình, phải thường xuyên di chuyển căn cứ, sinh hoạt ăn uống thiếu thôn, thiếu cơm nhạt muối, vẫn đảm bảo 85-90% quân số phục vụ, đưa năng suất bình quân từ 2 bao/người/chuyến lên 3,5 bao/người/chuyến.

Liên đội 5 hoạt động ở một địa bàn chia cắt có nhiều sông ngòi trục lộ. Có đội hàng tháng hoạt động ở một cung đường không liên lạc được với các đơn vị bạn. Có lúc đội hình hành quân của liên đội vừa cắt ngang qua, biệt kích địch đã tới phía sau. Có khi ta và địch đóng quân cách nhau không đầy 10 phút đi bộ, ra giếng lấy nước ăn đụng nhau mới biết… TNXP liên đội 5 vẫn nêu quyết tâm thực hiện “3 điểm cao TNXP làm theo lời Bác”.

Công việc chuyển tải đối với TNXP giải phóng là một cuộc chiến đấu thực sự. Một lần các chiến sĩ TNXP đội 1167 đang chuyển 60 thương binh về tuyến sau. Giữa lúc giặc càn, phải cắt rừng vượt sông vẫn không tránh được đụng đầu với chúng. Không có thuyền, các chiến sĩ trầm mình dưới nước suốt hàng tiếng đồng hồ, dùng dây chăng qua sông để đồng đội cõng thương binh qua. Địa hình trống trải, máy bay địch phát hiện gọi pháo bắn vào đội hình đơn vị đang vượt sông. Có chiến sĩ bị thương vẫn không rời vị trí, đưa hết thương binh qua sông an toàn. Được một đoạn đường, đơn vị lại đụng biệt kích Mỹ, phải vừa chiến đấu vừa đưa thương binh vượt qua.

Cũng đang làm nhiệm vụ khiêng thương binh, TNXP giải phóng đội 1256 bị lọt vào ổ phục kích của địch. Ngay loạt mìn đầu tiên nổ đã có 6 chiến sĩ hy sinh. Kẻ địch dùng cả xe tăng tấn công vào đội hình của đơn vị. Lưới lửa dày đặc. Không thể để thương binh bị thương lần thứ 2, các chiến sĩ đã lần lượt cõng thương binh vượt ra khỏi vùng lửa đạn.

Nhiều đội viên TNXP giải phóng đã nêu cao gương sáng về lòng hy sinh quả cảm. Trong một chuyến công tác, đơn vị của Nguyễn Thị Hoàng Anh (đơn vị 19/8, liên đội 9) bị địch phục kích. Chúng sử dụng cả máy bay, pháo bầy bắn phá vào đội hình của đơn vị, cho cả xe tăng xông thẳng tới hòng diệt gọn. Hoàng Anh đã kiên cường bám trụ. Trong tay chỉ còn 1 trái lựu đạn của một đồng chí bộ đội bị thương vừa trao cho. Hoàng Anh rút sẵn chốt, chờ địch đến. 2 tên Mỹ xông đến định bắt Hoàng Anh. Cô chống cự quyết liệt, 2 tên Mỹ khác thấy vậy xông vào tiếp sức đồng bọn. Chỉ chờ có thế Hoàng Anh bật ngửa người buông tay. Lựu đạn nổ, 4 tên Mỹ chết tại chỗ. Hoàng Anh hy sinh.

Tiêu biểu là tấm gương hy sinh thân mình để bảo vệ thương binh của người đội viên TNXP giải phóng - Đoàn Thị Liên, đội 112. Bình thường Liên là một cô gái dịu dàng, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, luôn nhận khó khăn về mình, nhường thuận  lợi cho bạn. Trong một năm rưỡi tham gia TNXP giải phóng Đoàn Thị Liên đã phục vụ 12 trận chiến đấu. Nhiều trận, Liên đã xông ra tận trận địa cõng từng thương binh về tuyến sau. Trên đường chuyển thương binh, mỗi lần hạ cáng xuống nghỉ, Liên lại lo đi tìm củi nấu nước phục vụ anh em, nấu cháo cho thương binh…

Trong trận đánh ở Cần Lê, trên đường 13, Đoàn Thị Liên cùng đồng đội bám sát các mũi xung kích. Trận đánh mỗi lúc càng ác liệt, Đoàn Thị Liên vừa cõng được 2 thương binh về hầm, pháo địch bỗng nã xuống tới tấp. Liện bị dính mảnh pháo, ngã khuỵu xuống, trong khi nhiều quả đạn pháo nổ ngay trước cửa hầm nơi có thương binh đang nằm. Liên thấy không yên tâm, cố trườn đến nằm chắn ngang cửa hầm, dùng thân mình che mảnh đạn cho thương binh. Một quả pháo địch nổ gần và Liên hy sinh.

Sát cánh chiến đấu cùng lực lượng TNXP trên mặt trận giao thông vận tải là những đoàn viên và thanh niên trong các lực lượng trong và ngoài ngành GTVT, công binh, cầu phà, tàu thuyền… Với ý chí “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc” đoàn viên và thanh niên trong ngành giao thông vận tải đã ngày đêm bền bỉ, kiên cường giữ vững từng mét đường, từng nhịp cầu luôn thông suốt trong mọi tình huống.

Tuổi trẻ chi đội 6 đơn vị chuyên sửa chữa, khôi phục xây dựng đường với gần 2.000 đoàn viên và thanh niên đã sáng tạo nhiều biện pháp thích hợp, để tạo ra những tuyến đường nhánh, đường phụ đảm bảo lúc nào đường cũng thông suốt. Khi bom đạn địch đánh nát một đoạn đường, thì những chiếc cầu cạn được khẩn trương lắp đặt để ô tô ray, goòng đẩy tay chuyển tải hàng qua. Máy bay Mỹ nham hiểm thả bom nổ chậm xuyên sâu vào lòng đường sắt. Thanh niên không sợ nguy hiểm người ngồi trên miệng hố bom giữ chân cho người chui vào lòng đất tìm cách phá bom. Đoàn thanh niên ngành đường sắt kêu gọi thành lập đội xung kích phá bom. Lập tức một lúc 700 đoàn viên thanh niên đăng ký.

Đặc điểm của các tuyến đường sắt ở các tỉnh phía Bắc là nhiều ga và nhiều cầu (cứ 3 km đường sắt có 1 cầu), đường sắt đi gần với đường bộ. Nhiều đoạn đường sắt, đường bộ, đường thủy giao nhau tạo nên những điểm nút. Khi địch tập trung đánh phá ác liệt dễ gây ùn tắc, gặp khó khăn trong công tác ứng cứu. Thực hiện chủ trương của ngành “phá thế độc tuyến”, những người thợ cầu trẻ tuổi Việt Nam đã có nhiều sáng tạo tham gia xây dựng những cầu dã chiến, cầu tạm mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đảm bảo thông xe, thông tàu nhanh chóng. Những cầu phà liên hợp được xây dựng, trong đó cầu phà liên hợp SH1 bắc qua sông Hồng có những đóng góp tích cực của đoàn viên thanh niên đội cầu 5.

Trong lúc có đoàn viên và thanh niên đội cầu 10 làm nhiệm vụ trên các tuyến chuyển tải ở miền Tây Hà Tĩnh - Quảng Bình, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường và tài trí thông minh sáng tạo, đã phát huy 181 sáng kiến có giá trị góp phần vượt sông, thông tuyến. Lần khôi phục giao thông nào đoàn viên và thanh niên đội cầu 10 cũng phấn đấu vượt trước thời gian, nâng tốc độ xe qua cầu từ 150 xe/đêm lên 300-350 xe/đêm.

Đội nữ thanh niên công nhân làm đường 609, công ty đường 6, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thường xuyên di chuyển đến hầu khắp các tuyến đường, làm nhiệm vụ ứng cứu đường, sửa chữa, nâng cấp… ở bất kỳ địa bàn nào cũng tìm tòi phương thức tổ chức lao động phù hợp, không ngừng nâng cao năng suất, được Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng.

Trong các lực lượng vận tải đoàn viên và thanh niên là những người luôn đóng vai trò xung kích. Thanh niên ngành đường sắt sẵn sàng “có tàu là đi, có hàng là kéo”. Các tổ lái tàu thanh niên thường xuyên bám máy, bám ban trong mọi tình huống. Ngay từ những ngày đầu xảy ra chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc, tổ lái máy xe lửa 424, xí nghiệp đầu máy Hà Nội đã tình nguyện vào khu IV phục vụ. 30 lần đầu máy bị máy bay Mỹ đón đánh, anh em vẫn bình tĩnh, mưu trí vượt qua. Phạm Hữu Hi, ban máy thanh niên (đầu máy 424) bị thương vào bụng, không thể tự mình leo lên buồng lái, đã nhờ đồng đội cõng lên tiếp tục lái tàu trong khi máy bay địch vẫn lồng lộn bắn phá.

Trên tuyến Hà-Lào, Nguyễn Tiếp Thìn, một cán bộ Đoàn phụ trách ban máy 418, trong một lần chở hàng đến Lâm Giang, bị máy bay địch chặn đánh, vẫn bình tĩnh lái tàu vào vị trí tập kết an toàn. Sau đó anh cùng đồng đội tổ chức bắn trả máy bay địch. Bị thương cả 2 chân vẫn tiếp tục chỉ huy anh em chiến đấu bảo vệ đoàn tàu. Anh hy sinh, nhưng tấm gương sáng của anh đã được tuổi trẻ toàn ngành noi theo.

Đoàn viên và thanh niên trong các đơn vị vận tải ôtô luôn coi “tàu, xe là vũ khí”. Nhiều lái xe trẻ đã thức trắng liền 48 tiếng đồng hồ, để kịp chuyển hàng lên phía trước. Đoàn viên Nguyễn Minh Ro, một lái xe kiên cường của đoàn ôtô số 8 Quảng Bình, trong điều kiện thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt vẫn đảm bảo vượt mức vận chuyển từ 2-10%. Địch đánh vào vị trí giấu xe của đơn vị, Nguyễn Minh Ro không quản nguy hiểm xông vào lửa cứu xe. Một mình anh vẫn cố tìm cách bò lên buồng lái chiếc xe thứ tư, nổ máy lái đi, cho đến lúc hi sinh.

Cao Bá Tuyết cùng đồng đội ở đoàn xe 806 ngày đêm bám đường, bám xe, hàng chưa tới đích chưa một ai chịu rời tay lái, mặc dầu có ngày có tổ lái xe bị máy bay địch đánh phá tới 90 trận vào đội hình. Riêng Bùi Cao ẩm bị 17 vết thương trong một trận đánh phá của địch vẫn giữ vững tay lái, còn theo xe của bạn cho đến khi ngất đi.

Cùng với tuyến chuyển tải bằng đường bộ, việc chuyển tải trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã có những đóng góp đáng kể. Sau sự kiện Vũng Rô, kẻ địch tăng cường bố phòng, kiềm tỏa gắt gao. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ vận tải trên biển phải tìm cách mở con đường mới. Tàu 42, đoàn 125 được trao nhiệm vụ mở đường. Sau 9 ngày (từ 15-10 đến 24-10-1965) tàu 42 do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng chỉ huy đã vận chuyển 60 tấn vũ khí cập bến Rạch Kiến Vàng, Cà Mau an toàn. Tiếp đó tàu 69 và 68 ra đi thắng lợi.

Phát hiện thấy hoạt động dồn dập của các chuyến chuyển tải trên biển của ta, địch đã tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116 để ngăn chặn. Các chiến sĩ vận tải trên biển vẫn kiên cường tiếp tục khai thác tuyến đường do tàu 42 mở cuối năm 1965 vận chuyển hàng cho chiến trường mà chủ yếu cho chiến trường quân khu 9. Nhiều chuyến đi phải khôn khéo luồn lách qua đội hình tàu địch, vừa chiến đấu, vừa tìm cách thoát ra khỏi vòng vây của chúng. Có lúc phải lao vào bờ, thậm chí phải phá hủy tàu để đảm bảo bí mật. Nhiều cán bộ chỉ huy và nhiều thuyền viên trẻ tuổi đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ tàu và bảo vệ con đường vận chuyển trên biển. Các cuộc chiến đấu trên biển phần lớn đều không cân sức nhưng vẫn gây cho địch những tổn thất. Trong một lần chuyển tải tàu 43 do Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy chở 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) gặp tàu địch, các chiến sĩ trên tàu đã chiến đấu quyết liệt, bắn rơi một máy bay lên thẳng và bắn bị thương 1 chiếc khác. Một tàu chiến của địch cũng bị đạn ĐKZ của tàu ta bắn bị thương.

Ngày 1-1-1967, cán bộ, chiến sĩ đoàn 125 vận tải trên biển đã được Nhà nước ta tuyên dương là Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đặc biệt thấm sâu và nảy nở trong thế hệ trẻ, ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Lứa tuổi hai mươi kế tục một cách trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của chúng ta”.

Cả một thế hệ thông minh, tài trí mang trong mình truyền thống của mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã đẩy tới cao trào hành động cách mạng “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” làm nên những sự tích kỳ diệu.

“Tay búa tay súng”, “tay cày tay súng” sẵn sàng vượt qua thử thách giữ vững sản xuất, giành nhiều thắng lợi.

Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đi đầu trong sản xuất, công tác, không ngừng vươn lên nâng cao trình độ KHKT, phấn đấu giành năng suất lao động cao và hiệu suất công tác tốt là một cuộc chiến đấu gay go, gian khổ của tuổi trẻ khi miền Bắc nước ta vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bám máy, bám đồng ruộng, bám cơ quan… trong hoàn cảnh phải đọ sức quyết liệt với những trận đánh phá có tính hủy diệt của không quân nhà nghề Mỹ trở thành một thử thách đối với phẩm chất của thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng”.

Chuyển hướng sản xuất từ thời bình sang thời chiến, ảnh hưởng trước hết đến tình hình sản xuất, công tác của các cơ quan, xí nghiệp, công trường. Một bộ phận máy móc phải sơ tán đến những nơi an toàn, tổ chức lại sản xuất. Những thanh niên có sức khỏe, có tay nghề, phần lớn được bổ sung cho tiền tuyến. Lực lượng ở lại bám máy thiếu và yếu, máy móc phân tán mỗi nơi một thứ, không đồng bộ. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phải chuyển hướng sản xuất, thay đổi mặt hàng, vì những mặt hàng truyền thống không còn đủ điều kiện để sản xuất, hoặc không còn phù hợp với thời chiến. Cũng có những nhà máy do yêu cầu của cuộc chiến phải chuyển sang sản xuất những  mặt hàng phục vụ cuộc chiến đấu. Chưa nói còn phải sản xuất trong điều kiện địch đánh phá thường xuyên. Một ca sản xuất phải mấy lần ngừng việc. Giờ công có ích giảm đáng kể…

Bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ, giữ vững dòng điện là một đòi hỏi bức thiết. Từ ngày 5-8-1964, Nhà máy Điện Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã là mục tiêu đánh phá có tính hủy diệt của không quân Mỹ. Giữ vững dòng điện an toàn trong mọi tình huống là  những công nhân cảm tử. Trong một lần tổ máy đang hoạt động, máy bay Mỹ ập đến đánh phá. Đồng chí quản đốc phân xưởng gọi điện thoại cho phép đồng chí đoàn viên đang trực ở tổ máy rút lên đồi để tránh bom đạn địch. Nhưng không thể bỏ vị trí, đồng chí đoàn viên thanh niên đã báo cáo xin phép đồng chí quản đốc: “Máy đang chạy, nên công việc của tôi là ở đây, xin cho tôi ở lại đến cùng!”.

“Xin cho tôi ở lại đến cùng!”, trở thành ý chí của thanh niên công nhân bám máy sản xuất trong mọi tình huống. Thanh niên công nhân Nhà máy Điện Vinh, Nhà máy Điện Uông Bí, Nhà máy Điện Yên Phụ… đã xây dựng cả một hệ thống phòng tránh đến tận từng điểm nóng, cả từ trên tầng cao, đảm bảo kịp thời ứng phó với mọi tình huống xấu nhất, khi bom Mỹ đánh thẳng vào nhà máy. Thanh niên công nhân nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội) ngay từ những ngày đầu khi địch đánh phá miền Bắc đã thành lập các đội “Cảm tử bảo vệ dòng điện” thay nhau vừa trực chiến vừa vận hành máy. Trong suốt thời gian chiến tranh ác liệt, dòng điện từ Nhà máy Điện Yên Phụ vẫn đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và cho công tác chỉ huy chiến đấu.

Đảm bảo sản xuất trong mọi tình huống, thanh niên công nhân đã nỗ lực không ngừng, từ việc sơ tán máy móc đến nơi an toàn, nhanh chóng ổn định sản xuất. Thiếu nhân lực, nhiều cơ sở Đoàn đã động viên đoàn viên và thanh niên làm thêm ngày công, giờ công. Một tỉnh nhỏ, công nghiệp ít phát triển như Sơn La, để sơ tán máy móc, thiết bị thanh niên công nhân cũng đã phải làm thêm 83 vạn giờ công chống Mỹ.

Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, do một lực lượng lớn thanh niên được huy động ra tiền tuyến, Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội đã phát động phong trào “giỏi một việc, biết nhiều việc” để sẵn sàng thay thế những người đi chiến đấu và phong trào “3 điểm cao thắng Mỹ”… một mặt, động viên tinh thần lao động quên mình của đoàn viên, thanh niên, mặt khác hướng công nhân tiến quân vào khoa học kỹ thuật, khắc phục khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu, tình trạng máy móc phân tán không đồng bộ, đảm bảo nhịp độ sản xuất trong thời chiến.

Học tập và thi đua với thanh niên công nhân Hà Nội, thanh niên công nhân các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Hà, Nghệ An, Quảng Ninh… đã sáng tạo nhiều phương pháp thiết thực đẩy mạnh sản xuất trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Thanh niên công nhân Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) đã “nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình”, “vượt khó, làm nhanh”, “nhận giờ cao điểm, nhận nơi trọng điểm”. Nhiều cơ sở Đoàn đã tổ chức những đội thanh niên xung kích đảm nhận sản xuất trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ, thành lập các đội thanh niên cảm tử bám máy sản xuất ngay cả khi địch đánh phá ác liệt.

Bằng nhiều biện pháp tích cực, Đoàn thanh niên trong các cơ sở sản xuất công nghiệp coi việc bám máy của người công nhân là nhân tố trước hết đem lại năng suất cao trong một ca sản xuất, đã động viên đoàn viên và thanh niên tranh thủ mọi thời gian có thể để làm ra sản phẩm. Thanh niên mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh) đã đề ra sáng kiến tăng thêm giờ công hữu ích vì nước vì dân. Đoàn vận tải của mỏ mỗi ca chạy thêm 15 phút vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, nhờ đó chạy tăng thêm được 3 chuyến mỗi ca. Tổ khoan của  mỏ phấn đấu tăng từng thước khoan sâu. Thực chất đó là những biện pháp để tận dụng hết thời gian có ích trong một ca sản xuất và thực tế đem lại hiệu quả rõ rệt. Từ bình quân khoan 500m/ngày, tổ đã nâng lên 700m/ngày.

Việc nhận công trình, sản phẩm mang tên thanh niên càng trở nên phổ biến. Hầu như ở cơ sở sản xuất công nghiệp nào, Đoàn cũng nhận những công trình sản phẩm theo từng cấp quản lý. Hình thức ca, máy thanh niên, lò thanh niên… cũng phát triển khá phổ biến. Về sau để đi vào nền nếp và để nâng cao chất lượng của các ca, máy thanh niên, Ban thanh niên công nhân của Trung ương Đoàn đã nghiên cứu và đề ra những tiêu chuẩn như tổ sản xuất, những ca, máy thanh niên, đoàn viên và thanh niên phải chiếm đa số, có nhiệt tình, ham tìm tòi, sáng tạo, luôn giành được năng suất cao. ở vùng than Quảng Ninh, tổ đi lò nhanh Đào Xuân Ngọc, với việc tổ chức lao động hợp lý, mạnh dạn áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến đã trở thành con chim đầu đàn, dẫn đầu năng suất đi lò. Tổ rèn 5 phân xưởng cơ khí, Công ty Gang Thép Thái Nguyên là một đơn vị sản xuất gồm toàn đoàn viên, thanh niên, nhưng công việc thường phụ thuộc vào đơn vị khác. Nhiệm vụ sản xuất phần lớn đột xuất, mặt hàng luôn thay đổi, trong khi trình độ tay nghề của công nhân còn thấp. Đoàn viên và thanh niên trong tổ thấy chỗ yếu của mình, thường xuyên tổ chức những hội nghị chuyên đề kỹ thuật, mời các bác thợ bậc cao đến trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc sắp xếp thợ theo từng cặp, khi phân công công việc đều dựa theo khả năng của từng cặp để giao. Nhiều sản phẩm đòi hỏi độ chính xác cao, nhờ việc tổ chức hợp lý, tổ vẫn hoàn thành, chất lượng đảm bảo, có sản phẩm tăng năng suất tới 436%.

Nét nổi bật của thanh niên công nhân thời đánh Mỹ là ham tìm tòi, ham sáng tạo. Đáng chú ý là trình độ tay nghề của thanh niên công nhân thời kỳ này rất thấp, bình quân chỉ trên dưới bậc 2. Hầu như trong các ngành công nghiệp thời kỳ này không có một thợ bậc 6, bậc 7 nào ở độ tuổi thanh niên. Nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm nhiều đoàn viên và thanh niên đã vượt lên trên những hạn chế về kiến thức, tay nghề luôn tìm tòi phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. ở nhà máy chế tạo điện có thanh niên đang hưởng 85% lương bậc 1 vẫn phát huy sáng kiến đưa năng suất lên tới 300%. Cả năm 1966 thanh niên công nhân nhà máy này đã có 156 sáng kiến cải tiến. Năm 1967 con số đó là 575. Có đoàn viên phát huy tới 4-5 sáng kiến, cải tiến như trường hợp Trần Độ, tổ trưởng sản xuất nguội. Đó còn là trường hợp của những đoàn viên, thanh niên như Đậu Ngọc Xuân, Vũ Ngọc Thìn (Cảng Hải Phòng) luôn chịu khó học hỏi để sử dụng thành thạo các loại thiết bị hiện đại, phục vụ kịp thời đòi hỏi của sản xuất và chiến đấu. Nguyễn Hữu Trường, Ngô Viết Dưỡng (Vĩnh Phú), Ngô Trung Loan (công ty xây dựng than điện)… những thanh niên công nhân tay nghề chỉ bậc 1, bậc 2, trình độ văn hóa có người chưa tốt nghiệp phổ thông cơ sở, nhưng với lòng say mê nghề nghiệp, chịu khó tìm tòi đã phát huy được nhiều sáng kiến, cải tiến có giá trị, góp phần giải tỏa nhiều khó khăn, ách tắc trong sản xuất. Có sáng kiến làm lợi cho công quĩ hàng ngàn đồng (thời giá của những năm sáu mươi), tăng năng suất tới 300-400%.

Thanh niên nông thôn với “tay cày, tay súng” đã cùng với giai cấp nông dân tập thể phấn đấu quyết liệt, giành thắng lợi vẻ vang. Chính trong những năm tháng đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhất đồng ruộng miền Bắc đã đạt được mục tiêu 5 tấn thóc 1 hécta.

Từ những phong trào: làm thủy lợi, bèo hoa dâu, cấy theo lối mới, đến các phong trào: phá giờ cao điểm, đường cày đảm đang, tuổi trẻ “Ba sẵn sàng” trên mặt trận sản xuất nông nghiệp đã tiến lên xây dựng “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ” với nhiều biện pháp tổng hợp, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng; 5 tấn thóc, 2 con lợn, 1 lao động làm một héc-ta gieo trồng.

“Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ” là một phương thức hoạt động sáng tạo của thanh niên nông thôn trên đồng ruộng. Đến năm 1967 đã có 85% cơ sở Đoàn ở nông thôn đảm nhận xây dựng cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ. Đó là những cánh đồng đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật, từ việc cải tạo đồng ruộng, áp dụng biện pháp tưới tiêu theo khoa học, đến việc cấy dày vừa phải. Thông qua hoạt động trên cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ, đoàn viên và thanh niên được rèn luyện về kỹ năng lao động, góp phần hình thành một đội ngũ những người làm nghề nông mới.

Vũ Thắng (Kiến Xương - Thái Bình) là một hợp tác xã nông nghiệp nằm ở “rốn nước” chưa mưa đã bị úng ngập, độ pH trên đồng ruộng có cánh đồng lên tới 7,8. Người dân Vũ Thắng có thói quen chỉ cần cắm cây mạ xuống rồi phó mặc đồng ruộng cho trời đất, bỏ làng kéo nhau lên rừng kiếm sống. 3 tháng sau mới trở về, được ăn thì thu hoạch, mất mùa lại kéo nhau đi. Thực hiện chủ trương của Đảng phấn đấu giành mục tiêu 5 tấn/ha gieo trồng/năm, nhân dân và thanh niên Vũ Thắng đã lấy thủy lợi, cải tạo đồng ruộng làm mục tiêu đột phá. Nhiều cán bộ, trong đó  có cán bộ Đoàn thanh niên đã tìm đường đến hợp tác xã  Hồng Thái, một điển hình làm thủy lợi của tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên) từng được Bác Hồ về thăm, để học hỏi kinh nghiệm. Đoàn viên và thanh niên Vũ Thắng đã thật sự trở thành lực lượng xung kích đi đầu trong cải tạo đồng ruộng quê hương. Đoàn đã tổ chức nhiều đêm “Hội hoa đăng” thắp đèn chai trên đồng để làm thủy lợi. Đoàn viên và thanh niên Vũ Thắng cũng là những người đi đầu áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, từ việc ngâm ủ giống, đến cấy lối mới, tưới tiêu hợp lý… Trong đó đoàn viên Hoàng Thị Huyền, một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của hợp tác xã luôn đứng mũi chịu sào, tổ chức cho đoàn viên và thanh niên đi đầu thực hiện thành công nhiều biện pháp kỹ thuật đồng bộ, trước hết trên những thửa ruộng đối chứng, sau đó nhân rộng ra ruộng đại trà, góp phần đưa Vũ Thắng trở thành hợp tác xã đạt được mục tiêu 5 tấn thóc/ha/năm đầu tiên trên miền Bắc và giữ vững là lá cờ đầu trong thâm canh tăng năng suất cây lúa trong nhiều năm, không ngừng đưa năng suất lên ngày một cao, 7-8 tấn rồi 9,7 tấn… ha/năm.

Thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trong thâm canh tăng năng suất cây trồng đòi hỏi đồng ruộng phải có độ đồng đều nhất định. Trước hết về khâu làm đất, thanh niên hợp tác xã Thọ Bình (Hưng Yên) và thanh niên ở nhiều địa phương khác đã tổ chức nhiều chiến dịch “kê” ruộng bằng biện pháp san lấp gò cao, thùng đấu, đặc biệt lấy bùn ao đổ lên mặt ruộng. Có những thửa ruộng đã được “kê” lên tới 10 centimét, đảm bảo cho việc tưới tiêu và áp dụng các biện pháp khoa học khác được thuận lợi.

Phân bón cũng là một biện pháp được đoàn viên và thanh niên coi trọng trong quá trình phấn đấu thâm canh tăng năng suất cây trồng. Nhiều cơ sở Đoàn thường xuyên tổ chức các chiến dịch làm phân bón, vừa tận dụng các nguồn phân, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc ủ phân và chế biến phân, kể cả việc ủ phân tại ruộng. Coi bèo hoa dâu là nhà máy phân đạm tự nhiên, nhiều cơ sở Đoàn đã có nhiều biện pháp đồng bộ trong việc nhân, ủ bèo, phấn đấu đạt từ 1 đến 2,5 diện tích bèo trên một đơn vị diện tích gieo cấy. Đáng chú ý là việc nhân thả bèo hoa dâu mùa hè, thật sự là một nỗ lực đáng kể của đoàn viên và thanh niên trong việc tận dụng nguồn phân tự nhiên. Nhiều đoàn viên và thanh niên đã ngày đêm lăn lộn chăm chút từng cánh bèo, lúc đưa vào bóng râm lúc thả ra ruông đảm bảo cây bèo phát triển ngay cả khi thời tiết nóng nực. Không chỉ ở vùng có kinh nghiệm nuôi thả bèo như Thái Bình, Nam Hà… mà ngay cả những tỉnh chưa có truyền thống sử dụng bèo hoa dâu trong thâm canh cây lúa như Nghệ An đoàn viên và thanh niên cũng kiên trì nuôi thả được bèo hoa dâu trong mùa hè.

Bên cạnh thời tiết khắc nghiệt thì bom đạn Mỹ nhiều phen cũng gây khó khăn cho các ruộng bèo phát triển. Nhiều ruộng bèo được đoàn viên và thanh niên mất nhiều công sức gây dựng được đã bị bom Mỹ quật nát. Đoàn viên và thanh niên hợp tác xã Đông Phương Hồng và ở nhiều nơi khác đã phải kiên trì nhặt từng cánh bèo hoa dâu do bom Mỹ quật nát đem rửa sạch tiếp tục ươm thả, đảm bảo diện tích cấy lúa được phủ kín bèo. Nhiều nơi đoàn viên và thanh niên còn tận dụng những hố bom để ươm thả bèo hoa dâu trước khi đưa ra đại trà làm cho diện tích bèo hoa dâu tăng lên đáng kể, tạo ra một nguồn phân đạm tự nhiên đảm bảo tăng năng suất cây trồng.

Khai thác nguồn phân tự nhiên, thanh niên Ninh Bình, còn có sáng kiến trồng điền thanh mô, một biện pháp tận dụng diện tích gieo trồng một loại cây phân xanh có hiệu quả cao, đảm bảo khi lúa được thu hoạch, cây điền thanh cũng phát triển có thể vùi ngay xuống ruộng làm phân bón.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều cơ sở Đoàn thanh niên ở nông thôn vẫn tổ chức đoàn viên và thanh niên đi đầu trong việc thâm canh tăng năng suất cây trồng, coi đó vừa là nghĩa vụ của người ở hậu phương đối với tiền tuyến, vừa để góp phần xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Thanh niên chi đoàn Yên Vực (Thanh Hóa), phần lớn là nữ, sống giữa một “túi bom” phía Bắc cầu Hàm Rồng phải đào hầm chữ A trên đồng để tránh bom đạn địch khi cần thiết, vẫn kiên trì áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để làm ra 5 tấn thóc trên một hécta trong một năm. Thanh niên Thanh Trạch (Quảng Bình), thanh niên Nghệ An, Hà Tĩnh, thanh niên Vĩnh Linh trong điều kiện phải đối phó với các hoạt động đánh phá của máy bay Mỹ, nhiều cánh đồng bị bom đạn Mỹ cày đi cày lại, chúng thả bom từ trường vào ruộng lúa… không những vẫn đảm bảo diện tích cày cấy mà còn áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, làm ruộng thí nghiệm, chăm sóc ruộng cao sản… đạt nhiều hiệu quả. Đinh Như Gia, một Đội trưởng sản xuất trẻ tuổi của đồng đất Vĩnh Linh thường xuyên phải đối mặt với những trận đánh phá có tính hủy diệt của máy bay Mỹ vẫn kiên gan tổ chức đoàn viên và thanh niên ra đồng, lợi dụng các kẽ hở trong qui luật đánh phá của máy bay Mỹ và tàu chiến Mỹ để cày cấy ngay trên những cánh đồng đầy bom đạn giặc, đảm bảo năng suất lúa tăng liên tục và bền vững. Và anh đã trở thành Anh hùng nông nghiệp đầu tiên của Vĩnh Linh ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1966, nhân kỷ niệm lần thứ 53 Ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn (26.3.1931 - 26.3.1966) trong thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội xuất hiện phong trào “3 sào, 5 việc”, 3 và 5 là tượng trưng cho ngày kỷ niệm Đoàn lần thứ 35 (3 sào là nhận chăm sóc 3 sào ruộng xa, ruộng xấu và làm 5 việc như làm cỏ, bón phân, tưới tiêu nước, phòng trừ sâu bệnh)... Chương trình phát thanh Thanh niên của Đài tiếng nói Việt Nam và sau đó các báo đều đưa tin kịp thời việc làm thiết thực này, cổ vũ thanh niên nông thôn các nơi khác cùng làm theo. Một phong trào nhận ruộng xa, ruộng xấu chăm sóc phát triển sâu rộng trong đoàn viên và thanh niên ở hầu khắp các địa phương và kéo dài trong nhiều năm. Trên các cánh đồng tấm biển: “Nhận ruộng chăm sóc của thanh niên” được cắm phổ biến. Trên các thửa ruộng nhận chăm sóc của thanh niên đều áp dụng nhiều biện pháp thâm canh đồng bộ. Nhiều biện pháp kỹ thuật như bón phân, làm cỏ đều được thực hiện tăng hơn ruộng đại trà.

Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu trong phong trào “Năm xung phong” của thanh niên miền Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiến hành từ ngày 20 đến ngày 22-11-1980 tại Thủ đô Hà Nội.

Từ những thửa ruộng nhận chăm sóc, nhiều cơ sở Đoàn ở nông thôn đã tiến hành xây dựng những cánh đồng, những khu ruộng thanh niên. Cũng với phương thức nhận ruộng xa, ruộng xấu để chăm sóc, nhưng với qui mô lớn hơn, mang tính tập thể, nên có điều kiện áp dụng các biện pháp thâm canh đồng bộ. Lao động trên những cánh đồng, những khu ruộng thanh niên, đoàn viên và thanh niên không chỉ được làm việc theo sự phân công mà còn được học tập nâng cao trình độ nghề nông. ý thức rõ trách nhiệm của mình, các tổ chức cơ sở Đoàn thanh niên nông thôn thường xuyên coi việc rèn luyện kỹ năng lao động và trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên là một biện pháp có tính quyết định đến việc thâm canh tăng năng suất cây trồng và vật nuôi. Nhiều hình thức tổ chức rèn luyện kỹ năng lao động cho thanh niên đã làm hình thành cả một phong trào có sức cuốn hút đông đảo nhiều người tham gia, như phong trào “đường cày đảm đang”.

Từ trước, ở Thanh Hóa cũng như ở nhiều nơi khác, phụ nữ thường ít phải làm những công việc nặng nhọc, như cày bừa, trên đồng uộng. Khi phần lớn nam thanh niên phải ra mặt trận, công việc đồng áng phụ nữ phải đảm đang. Không còn cách nào khác, chị em phải đứng ra tập đảm nhận trọng trách này. Phá bỏ cả một tập tục có từ lâu đời, chị em phải vượt qua không ít khó khăn, kể cả dư luận xã hội. ở nhiều cơ sở chị em phải tổ chức học cày vào ban đêm. Nhờ đó nhiều nữ thanh niên nông thôn đã trở thành lao động chủ lực trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Phong trào học tập, rèn luyện nâng cao trình độ nghề nông trở thành phổ biến trong thanh niên nông thôn. Các cơ sở Đoàn thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức cho thanh niên học tập nắm vững kỹ thuật thâm canh, trước hết đối với cây lúa và con lợn.

Với đội ngũ những người làm nghề nông ngày càng có kiến thức, những cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ, hoặc những khu đồng, cánh đồng thanh niên đã thật sự mang lại hiệu quả nhiều mặt, trong đó có việc góp phần nâng độ đồng đều của đồng ruộng, trong từng vùng, từng tỉnh - một biện pháp quan trọng góp phần giành mục tiêu 5 tấn thóc trên một hécta gieo trồng một năm, trong điều kiện vừa sản xuất vừa chiến đấu. Qua nhiều vụ thu hoạch, những cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ những khu đồng thanh niên, tuy phần lớn đều xây dựng từ những khu ruộng xấu, vẫn cho năng suất cao hơn hẳn ruộng đại trà từ 10-15%, có nơi thu hoạch trội hơn tới 1-1,5 tấn thóc trên 1 hécta.

Nhờ những nỗ lực đó, cùng với Thái Bình, tỉnh đầu tiên đạt mục tiêu 5 tấn thóc trên 1 hécta, các tỉnh, thành phố khác, ngay trong những năm tháng khẩn trương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đều có những điển hình thâm canh đạt năng suất cao. Quỳnh Lưu, Đô Lương là những huyện của tỉnh Nghệ An nằm trong vùng đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhưng thanh niên nông thôn cùng bà con xã viên vẫn bám đồng ruộng thâm canh cây trồng. Thanh niên đã tổ chức những đội xung kích cày cấy và thu hoạch ở những khu vực địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Nhiều lần vào thời điểm lúa chín, không quân Mỹ đã thả bom nổ chậm, bom từ trường vào ruộng lúa, thanh niên nông thôn Nghệ An vừa tổ chức lực lượng phá bom, vừa thành lập những đội cảm tử đến gặt lúa tại những nơi nguy hiểm, không bỏ phí một hạt thóc. Nhiều hợp tác xã ở Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu... đã đạt mục tiêu 5 tấn.

Sơn La là một tỉnh miền núi cao, nhưng từ những năm 1966-1967 phong trào xây dựng cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ cũng đã được triển khai ở nhiều vùng nông thôn, góp phần cùng các biện pháp thâm canh khác để đến năm 1968 cũng đã có 10 hợp tác xã đạt mục tiêu 5 tấn thóc trên 1 hécta. Đến năm 1972 Sơn La đã có 7 xã và 54 hợp tác xã đạt mục tiêu 5 tấn thóc và trên 5 tấn/ha, trong đó có nhiều hợp tác xã của đồng bào các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng lên khai hoang, nhờ áp dụng những kinh nghiệm thâm canh từ ở quê nên năng suất đạt tới 8 tấn đến 9,6 tấn/ha như các hợp tác xã Hải Sơn, Hưng Sơn, Song Mai (Sông Mã).

Phấn đấu giành mục tiêu 5 tấn thóc/ha, thanh niên nông thôn còn đẩy mạnh chăn nuôi, phấn đấu góp phần đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. ở nhiều cơ sở thanh niên thường đảm nhận xây dựng những ô chuồng tăng sản. Một số cơ sở cụ thể hơn, xây dựng những dãy chuồng “trăm con, vạn cân” (nuôi 100 con lợn đạt bình quân xuất chuồng 100kg/con). Tiêu biểu có Ngô Thị Phú, thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc đàn lợn, nên đã trở thành kiện tướng chăn nuôi xuất sắc trong nhiều năm.

Cùng với thanh niên nông thôn “tay cày tay súng”, thanh niên vùng biển sẵn sàng “tay lưới tay súng”, bám biển ngày đêm vừa chiến đấu vừa sản xuất. Tiêu biểu là thanh niên Cảnh Dương (Quảng Bình), thanh niên Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Định), thanh niên vùng biển Vĩnh Linh... vừa làm nhiệm vụ sản xuất, vừa làm nhiệm vụ tiếp tế cho các chiến sĩ đang chiến đấu trên các đảo xa, trong đó có đảo Cồn Cỏ. Nhiều lần các tay lưới thanh niên đã phải chiến đấu liên tục với máy bay, tàu chiến Mỹ để bảo vệ tàu, thuyền và các công cụ sản xuất, bảo vệ tính mạng của ngư dân.

***

Trong thư gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh nhân dịp bắt đầu năm học mới, ngày 16 tháng Mười, 1968, Bác Hồ dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Phong trào thi đua “Dạy tốt và học tốt” trở thành mục tiêu phấn đấu không ngừng của tuổi trẻ trong các trường học. Tổ chức Đoàn trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề cũng như ở các trường phổ thông… đã đóng góp vai trò tích cực trong việc sơ tán trường lớp đến nơi an toàn, lên rừng núi, về nông thôn, xây dựng cơ sở mới để tiếp tục dạy và học. Thanh niên, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa và nhiều trường khác ở Hà Nội nêu khẩu hiệu “vác trường lên vai đi sơ tán”, dù trong hoàn cảnh nào cũng tiếp tục học tốt, dạy tốt, cũng tiếp tục nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ sản suất và chiến đấu.

Ở Vĩnh Linh, Quảng Bình… các lớp học được mở ngay trong hầm địa đạo. Thầy và trò Nghi Hương (Nghi Lộc, Nghệ An) nêu quyết tâm “đội bom đi học”. Trong điều kiện bị địch đánh phá thường xuyên vẫn đảm bảo việc dạy và học. Phong trào có sức cổ vũ hàng triệu học sinh, thầy cô giáo bất chấp bom đạn ác liệt tới trường tới lớp, chỉ với một túi vải đựng sách vở, một chiếc mũ rơm đội đầu. Chiếc mũ bện bằng rơm dùng để đội đầu che bom bi rất có hiệu quả đã gắn bó, trở thành hình ảnh sau này trở thành những người nổi tiếng như Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn cũng đã từng đội mũ rơm đi học trong nhiều năm.

Nhiều trường hợp mặc dù đã sơ tán đến các vùng xa, các tiết học vẫn phải đứt quãng nhiều lần vì máy bay Mỹ đến quần đảo, đánh phá. Có lớp học đã trúng bom ngay giữa giờ lên lớp. Nhiều thầy cô giáo và học sinh chết và bị thương. Nhiều lớp học phải đào hầm từ trong lớp thông ra ngoài để kịp sơ tán học sinh, vẫn không tránh khỏi thương vong.

Trong điều kiện khó khăn ác liệt, vai trò của tổ chức Đoàn trong các trường học càng được củng cố và phát huy tác dụng góp phần cải tiến chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập. ý thức tự chủ trong học tập của đoàn viên, thanh niên học sinh không ngừng củng cố và nâng cao làm cho phong trào học tập và rèn luyện phấn đấu trở thành con người mới phát triển toàn diện của thanh niên ngày càng đi vào chiều sâu. Số học sinh đến trường hàng năm vẫn không ngừng tăng. Riêng tỉnh Nam Hà số học sinh năm học 1965-1966 tăng 3,6% so với năm học 1964-1965. ở xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) trong một năm học, trường bị đánh phá tới 22 lần, học sinh vẫn tới trường, tới lớp đầy đủ, vẫn nêu cao tinh thần dạy tốt và học tốt.

Chất lượng học tập không ngừng được nâng lên. Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam) giữ vững lá cớ đầu trong học tập và quản lý trường lớp. Các trường Lê Hồng Phong (Nam Định), Lam Sơn (Thanh Hoá), Phan Đình Phùng (Nghệ An)… cùng các trường học ở Hà Nội, Hải Phòng, trở thành những điểm sáng về nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy. Năm 1966 trong cuộc thi học sinh giỏi môn Văn toàn miền Bắc có 73 em dự thi. Đội tuyển học sinh giỏi của Nam Hà chiếm 24 em. Đội ngũ giáo viên trẻ không ngừng được bổ sung và có ý thức vươn lên về mọi mặt. Chỉ một huyện Lý Nhân (Hà Nam) năm học 1965-1966 trong số 16 chiến sĩ thi đua của ngành giáo dục, thì 14 là đoàn viên, thanh niên. Trong 5 giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh, thanh niên chiếm 3.

Phong trào học tập bổ túc văn hoá, Trường Đoàn Văn hoá Kỹ thuật, Trường thanh niên Dân tộc vừa học vừa làm… được giữ vững và phát triển. Xã Cẩm Bình (Hà Tĩnh), Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình trở thành những lá cờ đầu trong việc chuyển hướng mục tiêu giáo dục đào tạo. Chi đoàn Đồng Mỹ (Nam Hà) hầu hết đoàn viên và thanh niên đã tham gia học bổ túc văn hoá. Chi đoàn 3 điều tra rừng có 280 thanh niên, cả 280 đã đi học và đi dạy BTVH, trong đó có 150 đồng chí học cấp III,197 đồng chí là công nhân có trình độ trung cấp kỹ thuật, 32 cán bộ có trình độ kỹ sư.

Tỉnh Sơn La trong hoàn cảnh chiến tranh khẩn trương, gần 2 vạn đoàn viên, thanh niên các dân tộc vẫn thường xuyên theo học các lớp BTVH ngoài giờ. Các trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, trường BTVH tập trung… hàng năm thu hút hàng ngàn đoàn viên, thanh niên theo học.

Phong trào học tập BTVH đặc biệt nổi bật trong lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước (tập trung). Với 3 nhiệm vụ được xác định trong đó có nhiệm vụ học tập, ngay từ đầu lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước đã được bố trí đội ngũ giáo viên chuyên trách đến tận đại đội. Nghị quyết Hội nghị chuyên đề về BTVH trong TNXP chống Mỹ, cứu nước (tập trung) do Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục chủ trì trong các ngày 2-5/4/1967 chỉ rõ mục tiêu phấn đấu chung của TNXP là: “nhanh chóng thanh toán cấp I, thực hiện vững chắc việc phổ cập cấp II, tích cực chuẩn bị điều kiện để từng bước phát triển tốt cấp III”. Mỗi đội TNXP đã thành lập một trường BTVH, trực thuộc ngành giáo dục địa phương nơi đóng quân, mỗi đại hội có một phân hiệu. Sau mỗi nhiệm kỳ 3 năm mỗi đội viên TNXP phấn đấu lên được 3 lớp. Nhiệm kỳ I khi mới thành lập có tới 47% đội viên còn ở trình độ văn hoá cấp I, khi hết nhiệm kỳ 3 năm, con số đó chỉ còn 5%. Có nhiều đội viên, đạt kết quả cao trong học tập, 2 năm lên được 3 lớp. Một số anh chị em khi ra đi chưa đọc thông thạo, lúc xuất ngũ đã có trình độ văn hóa lớp 4, lớp 5. Một số đội viên khi gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước (tập trung) còn mù chữ, sau một nhiệm kỳ 3 năm đã tốt nghiệp cấp II BTVH, được cử đi học các trường trung cấp. Tiêu biểu như Phan Văn Lục, khi đi TNXP còn mù chữ, nhưng vì xấu hổ đã khai học hết cấp II, được tập thể động viên, Lục phấn đấu học hết cấp II, được cử đi học công nhân kỹ thuật. Trần Thị Thu Hương cũng từ một đội viên không biết chữ, sau khi hết nghĩa vụ 3 năm đã có trình độ học vấn cấp II BTVH được cử đi học Trung  cấp Hàng hải…

Phong trào xây dựng Trường Đoàn BTVH vừa học vừa làm xuất hiện khá phổ biến trong những năm chống chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ. ở nhiều xã gọi là Trường Đoàn văn hoá kỹ thuật, được tổ chức gắn liền với đội chuyên giống. Các chi đoàn ở các đội sản xuất cơ bản của các hợp tác xã chủ động luân phiên cử đoàn viên và thanh niên đến tham gia học tập và lao động, ở đội chuyên giống. ở đây đoàn viên và thanh niên được học tập văn hoá và kỹ thuật (thường qua 4 vụ lúa) các học viên trở về làm nòng cốt trong các đội sản xuất cơ bản, số khác lại được chuyển đến học tập. ở Nam Hà thường xuyên Trường Đoàn văn hoá kỹ thuật thu hút trên 3 vạn học viên theo học.

Cùng với việc đẩy mạnh thi đua dạy tốt và học tốt, công tác chăm lo, giáo dục thiếu niên nhi đồng được các cấp bộ Đoàn hết sức coi trọng. Các tổ chức cơ sở của Đoàn ngay từ đầu đã triển khai nhanh chóng chủ trương chuyển đội vào trường học, kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ phụ trách Đội thiếu niên, nhi đồng là những giáo viên đầy nhiệt tình. Các cơ sở Đoàn đã kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục các em ý thức công dân, tổ chức cho các em thi đua học tập và lao động, tham gia phục vụ chiến đấu tùy theo điều kiện cụ thể. Các hoạt động theo chủ đề được triển khai sâu rộng, thu hút hầu hết thiếu niên, nhi đồng tham gia; “Vì miền Nam rực lửa chiến công, nguyện làm chiến sĩ nhỏ thắng Mỹ”, “Nói lời hay làm việc tốt, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ”… Các tổ chức Đoàn cơ sở còn tổ chức cho các em tham gia công tác Trần Quốc Toản, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bộ đội và TNXP, xây dựng hợp tác Măng Non, tạo điều kiện thuận lợi để các em làm quen dần với lao động và những vấn đề của KHKT. Riêng tỉnh Hà Nam, năm học 1965-1967 có 1.100 hợp tác xã. Đến tháng 10-1968 toàn tỉnh có 8 vạn thiếu niên tham gia hợp tác xã Măng Non. Trên 6.000 thiếu niên đã chăm sóc hàng vạn trâu bò béo khoẻ, hơn 2.000 em đã được khen thưởng về thành tích chăm sóc trâu bò. Có em được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người.

Phong trào phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ đã có sức cuốn hút mạnh mẽ hàng triệu thiếu niên, nhi đồng nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện về mọi mặt. Nhiều em đã lập được thành tích xuất sắc trong học tập, công tác và tham gia lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu. Nguyễn Bá Ngọc hy sinh thân mình bảo vệ nhiều em nhỏ trong lửa đạn. Hoa Xuân Tứ, bị tàn tật vẫn nêu tấm gương sáng về học tập. Nguyễn Thị Vệ, Nguyễn Thị Kiều Anh và hàng nghìn đội viên khác đã nêu gương tốt về tính thật thà và tinh thần dũng cảm, ý chí học tập, rèn luyện, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.

***

Đứng trước những đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đoàn TNLĐ Việt Nam đã hết sức coi trọng giáo dục, rèn luyện thế hệ thanh niên mới phát triển toàn diện, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 8 (khoá III) khẳng định nhiệm vụ giáo dục của Đoàn là “nhằm đào tạo thanh niên thành lớp người phát triển toàn diện, có đầy đủ khả năng kế tục sự nghiệp cách mạng, lớp người có khí phách và đạo đức cộng sản, trung thành vô hạn với Tổ quốc và lý tưởng cộng sản, căm thù sâu sắc bọn đế quốc và bọn bóc lột, đồng thời nắm vững kiến thức văn hoá, khoa học kỹ thuật tiên tiến và có sức khỏe.

Lấy việc nâng cao giác ngộ chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên làm yếu tố cơ bản, tổ chức các cơ sở Đoàn đã thường xuyên tổ chức cho thanh niên học tập, tìm hiểu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời đưa thanh niên vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, thông qua các hoạt động sản xuất, chiến đấu, qua việc thực hiện chính sách cụ thể, qua các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước như “3 xây 3 chống”, “cải tiến quản lý hợp tác xã”, “xây dựng kinh tế văn hoá miền núi”, “Đoàn tham gia xây dựng Đảng và kếp nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh”… Đoàn đã góp phần làm cho đoàn viên và thanh niên nâng  cao một bước về trình độ hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và trình độ quản lý. Mặt khác Đoàn quan tâm giáo dục cho đoàn viên, thanh niên tinh thần lao động mới, ý thức làm chủ tập thể, đồng thời nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, và những ảnh hưởng của tư tưởng tư sản… Việc giáo dục về Đảng, về Đoàn, giáo dục về truyền thống cách mạng, giáo dục về văn hoá, KHKT, TDTT, nếp sống cấp bộ Đoàn ngày càng quan tâm và có nhiều biện pháp tiến hành tốt.

Các tổ chức cơ sở Đoàn đã kết hợp một cách chặt chẽ công tác giáo dục với công tác tổ chức và hoạt động thực tiễn, làm cho 3 mặt hoạt động của Đoàn gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau đưa thanh niên tiến lên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, rèn luyện thanh niên thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Việc hình thành một hệ thống các hình thức, phương pháp giáo dục thích hợp với đặc điểm từng lứa tuổi, từ giáo dục tập trung theo những bài học cơ bản, giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua các phong trào hành động cách mạng, giáo dục cá biệt, thể dục thể thao,v.v… là một bước tiến trong công tác giáo dục của Đoàn.

Phương thức giáo dục bằng điển hình trong nhiều năm đã đạt được những hiệu quả nổi bật, không những có tác động trực tiếp đến hành động cách mạng của đoàn viên, thanh niên, lôi cuốn họ vào những mũi nhọn của sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới mà còn góp phần quan trọng hình thành những phẩm chất của  con người mới, theo gương các điển hình tiên tiến. Phát hiện điển hình, bồi dưỡng và nhân điển hình, tạo thành phong trào quần chúng học tập và làm theo điển hình là một mặt công tác đã được các cấp bộ Đoàn vận dụng sáng tạo. Trong nhiều năm liền hầu như ở địa phương nào cũng xuất hiện những điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu, như tập thể đoàn viên và thanh niên hợp tác xã Vũ Thắng (Thái Bình), Yên Vực (Thanh Hoá), tổ đi lò nhanh Đào Xuân Ngọc, tổ lái máy xúc EKG Vũ Xuân Thủy (Quảng Ninh), tổ chức Đoàn Nhà máy xi măng Hải Phòng,v.v…

Những điển hình cá nhân xuất hiện ngày một nhiều đã góp phần giáo dục tình cảm cách mạng và cổ vũ tuổi trẻ vươn tới những hành động cao đẹp. Nguyễn Văn Trỗi, với 9 phút cuối cùng làm nên lịch sử. Nguyễn Viết Xuân với ý chí “nhằm thẳng quân thù, bắn!”… trong nhiều năm đã là những hình ảnh gần gũi của tuổi trẻ “Ba sẵn sàng”. Và được tặng cờ và huy hiệu mang hình Nguyễn Văn Trỗi là một vinh dự và tự hào của những tập thể và cá nhân nguyện “Sống như anh”.

Với “Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến chống quân thù” và “Nước còn giặc còn đi đánh giặc”, tấm gương Lê Mã Lương và nhiều đoàn viên, thanh niên khác thật sự đã làm dấy lên một phong trào tòng quân sôi nổi vào thời điểm cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam đang đòi hỏi sự chi viện sức người sức của rất lớn. Ngay cả trong điều kiện thiên tai gây lụt lớn năm 1971, được cổ vũ bởi tấm gương Lê Mã Lương, ở những vùng  ngập lụt nặng như Hải Hưng, thanh niên vẫn hăng hái lên đường nhập ngũ, đảm bảo chỉ tiêu giao quân. Nhiều đoàn viên và thanh niên đã hoãn đi học đại học, đi nước ngoài để được đi chiến đấu.

Những cơ quan báo chí, xuất bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Đoàn như báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền Phong, chương trình Phát thanh Thanh Niên, Nhà xuất bản Kim Đồng… đã góp phần to lớn trong việc giáo dục, rèn luyện thanh niên, động viên cổ vũ thanh niên học tập và làm theo những điển hình tiên tiến.

Xây dựng nếp sống thời chiến là một yêu cầu khách quan của cuộc chiến đấu. Tác phong thời chiến, nếp sống quân sự hoá, sống giản dị, gọn gàng, có lệnh là lên đường, cần thiết là cầm súng bước vào chiến hào… trở thành quen thuộc đối với nhiều đoàn viên và thanh niên. Súng luôn luôn ở bên người, kể cả khi đi làm, đi hội họp, và cả khi đi cùng người yêu. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Anh ôm em, ôm cả khẩu súng trường trên vai em!”. Hình tượng của thơ mà cũng rất thật của cuộc đời.

Cùng với việc xây dựng nếp sống thời chiến, Đoàn còn chú trọng cùng với các ngành liên quan, xây dựng gia đình văn hoá mới, nếp sống lành mạnh. Những công trình vệ sinh, hố xí, giếng nước, nhà tắm… phát triển. ở xã Quảng An (Hà Nội) và nhiều nơi khác thanh niên đã đi đầu thực hiện cưới xin theo đời sống mới. Thanh niên các dân tộc ở Sơn La đã đi đầu phá bỏ nhiều tập tục lạc hậu mê tín dị đoan, chống tệ tảo hôn, ở rể, chống bắt ép con gái Mèo làm vợ, phê phán tập tục quần hôn của thanh niên người Dao, chống các tập tục kiêng kỵ có hại cho sản xuất và sức khoẻ, xây dựng cuộc sống khẩn trương, lành mạnh, giản dị và tiết kiệm phù hợp với điều kiện của cuộc sống chiến đấu.

Trên những nẻo đường ra trận, trong các hầm lò, xưởng máy, trên những cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ, tiếng hát lời ca đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của mọi người sau những giờ phút chiến đấu, lao động căng thẳng. Tiếng hát báo hiệu sự sinh sôi, tiếng hát mang lại niềm tin và sức mạnh. Từ trong những nhu cầu đó đã ra đời phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ anh hùng, chiến đấu căng thẳng ngày đêm, vẫn say sưa hát về “con cua đá”, một hình ảnh rất quen thuộc, rất gần gũi với các chiến sĩ trên đảo. Có biết bao nhiêu bài hát đã đi vào tình cảm của lớp thanh niên chống Mỹ, thúc giục họ xốc tới lập công. Các bài hát: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Chiếc gậy Trường Sơn”… trở nên phổ biến trên khắp mọi nẻo đường ra trận. Nhiều nhóm văn nghệ xung kích, chuyên nghiệp và nghiệp dư, đã len lỏi trên khắp các trận địa, trong những thôn xóm, hát cho các chiến sĩ, cho đồng bào nghe giữa 2 đợt đánh phá của địch.

Phong trào rèn luyện 5 môn quân sự phối hợp: Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ dân tộc, phong trào rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn được phát triển rộng khắp, mang tính quần chúng sôi nổi: “Vai trăm cân, chân vạn dặm”, “dẻo tay cày, hay tay súng”,v.v… góp phần tạo nên những gương mặt thể thao tiểu biểu. Tháng 11-1966, Vũ Thị Sen vận động viên bơi lội trưởng thành từ phong trào quần chúng của xã Nghĩa Phú (Nam Định) tham gia đội tuyển bơi lội nước ta đi thi đấu tại Đại hội thế vận Ganêpho châu á, giành thành tích vẻ vang. Nguyễn Thị Hồng Tiến, nhiều năm dẫn đầu giải điền kinh của ngành đường sắt: Vũ Thị Soa, cô thanh niên xung phong từng chốt giữ trên những trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt, trở thành vô địch Giải việt dã báo Tiền Phong trong nhiều năm: Phạm Thị Điệp, Ngô Thị Phú.. trở thành những kiện tướng bơi lội ưu tú, từng mang lại vinh quang cho Tổ quốc trong những kỳ thi thể thao quốc tế… và hàng ngàn vận động viên khác đã trưởng thành nhanh chóng như một thành quả đáng tự hào của tuổi trẻ “Ba sẵn sàng”.

Thừa thắng xốc tới, tuổi trẻ cùng quân và dân tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ban Bí thư Trung ương Đảng ra nghị quyết về công tác thanh niên trong tình hình mới.

Sau thất bại của cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, vùng kiểm soát của Mỹ-Nguỵ bị thu hẹp, chính quyền Sài Gòn khủng hoảng triền miên, ngụy quân sa sút ý chí tinh thần. Cuối năm 1967, Giônxơn đưa thêm 100.000 quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam đưa tổng số quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam lên trên nửa triệu tên, vẫn không cứu vãn nổi tình thế. Quân và dân ta ở cả hai miền Nam-Bắc liên tiếp giành được những thắng lợi có ý nghĩa quyết định.

Nhìn thấu rõ tương lai của cuộc kháng chiến, mừng Xuân Mậu Thân 1968, trong thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
            Thắng trận tin vui khắp nước nhà
            Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
            Tiến lên!
            Toàn thắng ắt về ta!
              

Lời chúc năm mới, cũng là lời hịch xung trận. Phát huy sức mạnh tổng hợp và thừa thắng xông lên, Đảng ta chủ trương đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào một giai đoạn mới. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ra nghị quyết, chỉ rõ: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới: thời kỳ giành lấy thắng lợi quyết định”.

Nắm vững thời cơ và ý đồ chiến lược của Đảng, tháng 11-1967, Thường vụ BCH Trung ương Đoàn TNND cách mạng đã họp và quyết định động viên thanh niên thừa thắng xốc tới cùng quân và dân toàn miền tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Trung ương Đoàn thiết tha kêu gọi: “Thời cơ hiện nay đang mở ra cho mỗi thanh niên, mỗi cán bộ, mỗi đoàn viên ánh sáng huy hoàng, soi đường cho chúng ta xông lên lập công lớn. Giặc Mỹ và tay sai đang choáng váng, chúng ta hãy bồi cho chúng những đòn chí mạng. Chúng ta phải nỗ lực phi thường, làm việc không tiếc sức, quyết không chút ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cao cả giải phóng dân tộc. Mỗi cán bộ, đoàn viên và thanh niên trong giờ phút thiêng liêng này phải đứng ở hàng đầu trong hàng trận chống Mỹ, cứu nước”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn, hầu hết cán bộ, đoàn viên và thanh niên các cơ quan xung quanh Trung ương cục miền Nam đã hăng hái tình nguyện tăng cường cho 5 phân khu xung quanh Sài Gòn và các khu Đoàn, Tỉnh Đoàn. Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định cử nhiều cán bộ, đoàn viên cơ sở về vùng căn cứ học tập chính trị và huấn luyện quân sự, chuẩn bị các kho bí mật, phương tiện vận chuyển để kịp thời chuyển thuốc nổ, vũ khí vào nội thành cất giấu trong những ngày giáp Tết.

Đoàn viên và thanh niên ở các địa phương đã tham gia nhiều đường dây vận tải vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí từ các trạm trên đường hành lang biên giới về địa điểm tập kết vùng ven bằng các hệ thống công khai, bí mật vào các kho nội thành. Các tỉnh còn huy động hàng ngàn thanh niên tham gia dân công, cùng thanh niên xung phong phục vụ hoả tuyến. Khắp trong các tỉnh, thành phố đã dấy lên phong trào tòng quân sôi nổi. Hàng vạn đoàn viên và thanh niên đã lên đường bổ sung cho quân chủ lực miền, khu để thành lập các sư đoàn và trung đoàn mạnh của quân giải phóng. Riêng ở Bến Tre đã thành lập được 5 tiểu đoàn bổ sung cho lực lượng của miền. Các Tỉnh Đoàn khu V có nhiều hình thức động viên thanh niên tòng quân, Quảng Nam tổ chức “dạ hội tòng quân”, Quảng Ngãi tổ chức “Ngày hội toàn dân bàn việc nước, tính việc nhà”… Năm 1967 Đoàn khu V có 12.577 thanh niên tòng quân, 5.506 thanh niên gia nhập lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, 57.306 nam nữ thanh niên tham gia du kích, trong đó có 2.028 du kích mật. Cao điểm năm 1968 toàn khu đã động viên 25.144 thanh niên tòng quân.

Một lực lượng đáng kể thanh niên “Ba sẵn sàng” từ hậu phương lớn miền Bắc cũng không ngừng được bổ sung cho chiến trường miền Nam, góp phần tăng cường sức mạnh của các lực lượng vũ trang trên chiến trường, cả về số lượng và chất lượng. Đầu năm 1965 đã có 46.796 cán bộ và chiến sĩ quân đội nhân dân biên chế thành 7 trung đoàn, 20 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, đặc công bổ sung cho các chiến trường ở miền Nam. Chuẩn bị cho giai đoạn mới của cuộc chiến đấu 54.794 cán bộ, chiến sĩ, phần lớn trưởng thành từ phong trào “Ba sẵn sang” lại được chi viện cho các chiến trường, cùng hàng vạn TNXP mở đường, đưa hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men… kịp thời phục vụ cuộc chiến đấu. Sau đó năm 1968, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đang diễn ra quyết liệt, 57.667 cán bộ và chiến sĩ lại được chi viện cho chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Năm 1969 có 43.219 người được chi viện cho chiến trường Nam Bộ, 35.501 người cho chiến trường khu V…

Trừ một số nơi ở khu V và Tây Nguyên nổ súng sớm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam đã đồng loạt nổ súng đúng giao thừa Mậu Thân, 1968. Sài Gòn, Huế, Quảng Trị, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Vĩnh Long, Cần Thơ, Thủ Dầu Một, Tây Ninh… Chỉ trong 7 ngày đầu của cuộc tập kích chiến lược, thanh niên đã cùng quân và dân miền Nam tấn công 64 thành phố, thị xã, diệt 5 vạn tên Mỹ - ngụy và chư hầu. Các chiến sĩ trẻ tuổi trong các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương đã chiến đấu vô cùng anh dũng, chẳng những đánh trúng, đánh mạnh, mà còn anh dũng chọc thủng các phòng tuyến địch, đánh lâu ngày trong thành phố, diệt nhiều sinh lực tinh nhuệ của Mỹ - ngụy. Tại Sài Gòn (ngày nay là thành phố Hồ Chí Minh) quân ta tấn công toà đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh, Trung tâm truyền tin Phú Lâm, sân bay Tân Sân Nhất, trại thiết giáp Phù Đổng…

Với truyền thống “đánh đâu thắng đấy” các chiến sĩ trẻ chi đoàn 61 quân giải phóng luôn là những mũi nhọn xung kích của đơn vị. Trong đợt đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ 5 phút các chiến sĩ đã dũng cảm phá bung 22 lớp rào dây kẽm gai, tạo điều kiện cho đơn vị tiến vào làm chủ đường băng, đánh vào nhà của giặc lái và nhân viên kỹ thuật. Nhiều chiến sĩ trẻ đã hi sinh anh dũng, trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã coi đó là “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.

Thừa thắng, các chiến sĩ trẻ chi đoàn 61, tiếp tục đánh cho địch những đòn choáng váng. Ngày 19 tháng 2 chặn đánh một tiểu đoàn địch ở cửa ngõ Sài Gòn, diệt một đại đội. Ngày 24 tháng 2, đánh giáp lá cà diệt một đại đội ngụy và 10 tên Mỹ. Ngày 13 tháng 3, 29 chiến sĩ của đơn vị đã đánh bại 2 tiểu đoàn địch, diệt 200 tên.

Cùng với các chiến sĩ trẻ chi đoàn 61 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, một đơn vị nhỏ quân giải phóng gồm toàn những chiến sĩ tuổi từ 19 đến 20, được nhân dân che chở và giúp đỡ đã đánh chiếm cầu chữ Y chỉ trong một thời gian ngắn. Kẻ địch ngoan cố, dùng đủ mọi cỡ hoả lực, điều đến những đơn vị thiện chiến, tổ chức nhiều đợt phản kích, vẫn không đánh bật được chiến sĩ ta ra khỏi cầu. Trong khi đó khoảng 20 chiến sĩ trẻ của ta tiến đánh toà đại sứ Mỹ ngay trung tâm Sài Gòn. Cuộc chiến đẫu diễn ra trong nhiều giờ, giành giật nhau từng góc tường, từng cầu thang gác. 6 chiến sĩ trẻ khác chiến đấu trong một khách sạn đang làm dở suốt 36 tiếng đồng hồ, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Và ở Đài phát thanh của ngụy quyền Sài Gòn, đội 4, biệt động thành Sài Gòn được ém quân sẵn chỉ cách Đài 100m, có lệnh tiến công, các chiến sĩ đã nhanh chóng tiếp cận đánh chiếm mục tiêu và giữ vững trong 3 giờ 10 phút. Địch huy động hàng tiểu đoàn thiện chiến đến tìm cách giải toả. Các chiến sĩ ta dũng cảm đánh lui nhiều đợt phản kích của chúng, diệt 1 đại đội lính dù, 1 trung đội bảo an, phá huỷ 1 xe thiết giáp, 1 xe GMC. 7 chiến sĩ của đội vượt được vào tuyến trong, phá hủy hoàn toàn hệ thống máy móc của đài, làm sập tầng trệt và một phần lầu 2. Các chiến sĩ lần lượt hy sinh. Còn lại 4 người, sau khi đạn hết, cuộc chiến đấu không cân sức, các chiến sĩ đã dùng bộc phá phá huỷ đài và hy sinh anh dũng. Đội trưởng Trần Phú Cường (tức Năm Mộc) đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang. Toàn đội được tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì.

Nhà báo Mỹ Don Oberdoiter trong cuốn “Tết - viết về Mậu Thân” đã có những nhận định: “Có lẽ trận tấn công được tổ chức tốt nhất ở vùng trung tâm thành phố là trận đánh chiếm đài phát thanh, một cơ sở hết sức quan trọng trong bất cứ đảo chính hay nổi dậy nào…”.

Trong những ngày tiến công và nổi dậy của quân và dân toàn miền, Thành Đoàn Sài Gòn kịp thời thành lập ủy ban thanh niên, sinh viên, học sinh cứu trợ đồng bào bị nạn, lập  các trung tâm trợ giúp nhân dân, đồng thời là nơi thu gom, nuôi giấu thương binh ta và chiến sĩ lạc đơn vị. Lợi dụng tổ chức công khai này, Thành Đoàn Sài Gòn đã móc nối cơ sở, xây dựng các căn cứ lõm ở các khu lao động, như ở liên phường 3A (Bàn Cờ - Vườn Chuối), liên phường 3B (Nguyễn Thông - Lê Văn Duyệt), liên phường 4A (Trương Minh Giảng - Trương Tấn Bửu), liên phường 4B (Gia Định).

Tại Huế, đêm 31-1-1968 quân và dân ta đồng loạt tiến công 40 mục tiêu. Rạng sáng ngày 1-2 ta làm chủ hầu hết thành phố, cờ Mặt trận DTGP miền Nam tung bay trên cột cờ thành nội. Sáng 3-2 ta phát động nhân dân nổi dậy lập chính quyền cơ sở . Mặt trận liên minh dân tộc dân chủ và hoà bình thành phố Huế ra đời, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết chống Mỹ.

Sau những ngày đầu choáng váng vì bị đòn bất ngờ, trưa 7-2-1968 địch huy động 11 tiểu đoàn ngụy, 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, có pháo và xe tăng yểm trợ phản công chiếm lại Huế. Nhiều trận chiến đấu ác liệt nổ ra. Tiểu đoàn 11 cô gái sông Hương phối hợp với các chiến sĩ phân đội K10, ngày11 và 12 tháng 2 đã tổ chức nhiều trận đánh, bẻ gãy tất cả các đợt phản kích của địch hòng chiếm lại sân vận động Huế. Tiếp đó dưới sự chỉ huy của Phạm Thị Liên, một cô gái mới 20 tuổi, đánh thắng liền 7 trận ở Vân Dương, giữ vững cầu Lò Trâu, góp phần tiêu diệt 120 tên Mỹ. Kẻ địch điên cuồng cho một tiểu đoàn Mỹ phản kích, Phạm Thị Liên cùng đồng đội bình tĩnh chờ địch vào gần mới nhất loạt nổ súng, băm nát đội hình chúng, buộc chúng phải rút chạy. Phạm Thị Liên và tiểu đội chiến đấu của cô được tặng phần thưởng xứng đáng: Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.

Cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân Mậu Thân, 1968 nổ ra đều khắp. Nhiều cơ sở Đoàn được chuẩn bị tốt đã tổ chức đoàn viên và thanh niên phối hợp cùng các cánh quân giải phóng đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, tiếp đó đánh địch phản kích, giữ vững trận địa nhiều ngày. ở Mỹ Tho, các cơ sở Đoàn ở vùng ven thành phố đều được củng cố, có từ 10 đến 30 đoàn viên. Các cơ sở không lộ đều được phân công đánh chiếm các vị trí địch. Được lệnh tổng công kích, các đơn vị mũi nhọn của thành phố chia làm 3 hướng vừa dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến đánh vào thành phố vừa diệt địch trong các đồn bốt vùng ven. Địch phản kích quyết liệt. Chúng cho lữ đoàn 7 ngụy và 2 chi đoàn thiết xa vận đánh vào lực lượng của ta trong thành phố. Đoàn viên và thanh niên trên các đường phố phối hợp cùng các chiến sĩ trẻ trong các đơn vị quân giải phóng bám trụ trong từng góc tường, hẻm phố… đánh diệt từng cánh quân địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề, 1 tiểu đoàn Mỹ, 1 tiểu đoàn ngụy bị diệt gọn, 20 xe M113 bị bắn cháy.

Phối hợp với các cánh quân đánh chiếm các căn cứ địch trong thành phố, đoàn viên và thanh niên trong các đơn vị du kích của các địa phương vận động nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, đẩy mạnh hoạt động đánh phá giao thông, ngăn chặn địch ứng cứu cho nhau. Lộ 4 (ngày nay là quốc lộ 1, còn có tên gọi lộ Đông Dương) bị bắn phá nhiều lần. Từ ngày 1 đến ngày 16 tháng 2 năm 1968 giao thông trên lộ 4 bị cắt đứt nhiều đoạn, từ huyện Cái Bè đến Châu Thành (Tiền Giang ngày này).

Trong chiến đấu, nhiều đoàn viên và thanh niên đã lập công xuất sắc. Tại Đà Nẵng, Phạm Chu với khẩu B40 tiến vào Nam Ô diệt 1 cụm 5 tên Mỹ, truy lùng diệt nhiều tên ác ôn ngoan cố. Tại Quảng Ngãi, 8 dũng sĩ trẻ đơn vị trinh sát tỉnh đội đánh vào sân bay diệt 200 tên. Nguyễn Thị Phúc, Chính trị viên đại đội đặc công Phù Mỹ (Bình Định) tính đến Tết Mậu Thân đã đánh 52 trận, dũng cảm mưu trí diệt gần 100 tên giặc, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang. A Sâu, một thanh niên người dân tộc cùng đơn vị đánh vào thị xã Kon-Tum, bị đánh bao vây. Từ trên nóc chợ, A Sâu vừa di chuyển vừa đánh địch, diệt nhiều tên. Chọn thời cơ anh nhảy xuống vào giữa đội hình địch, chúng chưa kịp phản ứng, anh ném 2 trái lựu đạn làm chúng hoảng loạn rồi nhanh trí vượt khỏi vòng vây. Nguyễn Văn Vân cán bộ Đoàn ở Thủ Dầu Một, vận động 3 đợt được hơn 300 thanh niên đi dân công tải thương, cùng anh em đào hầm bí mật nuôi giấu thương binh nặng, bảo vệ và chuyển an toàn thương binh về hậu cứ. Nguyễn Du, 19 tuổi, quê Thái Bình trong đơn vị bổ sung cho Khánh Hoà, Tết Mậu Thân cùng đơn vị tiến vào Nha Trang, tới ven thành phố đụng địch, khi chúng rút chạy, Du lạc đơn vị, được nhân dân nuôi giấu, anh vẫn không chịu rời bỏ súng, sẵn sàng chiến đấu khi gặp địch. Cũng  tại Nha Trang một phân đội của trung đoàn 52 đánh chiếm chợ Đầm, tuy chỉ có một tổ chốt lại nhưng địch phản kích quyết liệt 5 ngày đêm liền vẫn không chiếm lại được chợ. Các chiến sĩ lần lượt hi sinh, chỉ còn 1 người vẫn chiến đấu hết đạn. Trước khi bị giặc bắt anh đã phá hủy súng không để vũ khí rơi vào tay giặc.

Nhiều em thiếu nhi nhỏ tuổi nhưng chí không nhỏ, đã sát cánh chiến đấu bên cạnh các anh chị lớn tuổi và lập được nhiều chiến công. Nguyễn Văn Hoà làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội, đã mượn súng của các chiến sĩ đánh trận đầu diệt 8 tên Mỹ, lấy súng đạn của chúng trang bị cho mình. Lê Thị Minh, 13 tuổi, 5 lần vào căn cứ Nước Mặn trinh sát để bộ đội pháo kích, liên tiếp bị địch bắt tra tấn dã man nhưng nhất định không khai, mưu trí trốn thoát trở về đơn vị.

Địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt. Chúng điều đến Huế những đơn vị khét tiếng tàn bạo, sử dụng cả máy bay ném bom có tính hủy diệt… Nhưng Huế vẫn kiên cường đứng vững trong 26 ngày đêm. ở Sài Gòn các đợt hoạt động hè thu tiếp tục gây cho địch những đòn choáng váng. Nhiều vị trí quan trọng của chúng trong nội đô bị tiến công. Rạng sáng 5-5-1968 trận tiến công đánh chiếm toà hành chính quận 5 của ngụy bắt đầu bằng một trận đánh ác liệt tại góc đường Hồng Bàng - Phước Hưng (nay là đường An Dương Vương - Phước Hưng). 13 chiến sĩ thuộc đội vũ trang Ban Hoa vận của thành phố đã chiến đấu một mất một còn với lực lượng địch đông gấp bội. Phần lớn họ là những thanh niên con em hoặc người thân của một gia đình người Hoa có bà mẹ tên là Lục Tài Chi. Người nhiều tuổi nhất là Tăng Bôi, con rể tương lai của gia đình, chỉ huy đơn vị, 31 tuổi. Người trẻ nhất là Lưu Hương, chỉ mới 15 tuổi, là con dâu tương lai của gia đình. Còn Hồ Đạt Thành, Hồ ái Quần con bà Lục Tài Chi đều đang tuổi thanh niên. Mặc dầu được chuẩn bị chu đáo, vũ khí được ém sẵn gần mục tiêu, nhưng do địch tập trung lực lượng lớn, các chiến sĩ trong đội vũ trang đã phải giành giật với địch từng mét đường. 13 chiến sĩ chỉ còn lại 9 người có khả năng chiến đấu, 4 người bị thương nặng. Đạn hết. Các chiến sĩ sẵn sàng giương lê đánh giáp là cà với địch.

Trong cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân Mậu Thân, 1968 phải kể đến tinh thần bền bỉ và kiên cường của các chiến sĩ trên mặt trận Làng Vây - Khe Sanh. Được mở ra nhằm thu hút và giam chân phần lớn lực lượng địch ở hướng Bắc Quảng Trị, tạo điều kiện cho quân và dân toàn miền Nam tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Chiến dịch đường số 9 - Khe Sanh đã nổ súng tiến công trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng 1 năm 1968. Ngay trận đấu mở màn chiến dịch các chiến sĩ trẻ tiểu đoàn 7 trung đoàn 66/304 phối hợp chặt chẽ với pháo binh chiến dịch đã làm chủ quận lỵ Hương Hoá. Tiếp đó trung đoàn 24/304 bằng một trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đã tiêu diệt cứ điểm Làng Vây bằng 3 hướng đột phá, mở rộng bàn đạp vây hãm Tà Sơn và đánh quân địch phản kích tăng viện.

Thực hiện ý đồ chiến dịch, việc vây lấn Tà Cơn dài ngày (từ 10-2 đến 31-3 và từ 8-5 đến 15-7-1968) là một thử thách đối với mỗi chiến sĩ trẻ trong các đơn vị tham chiến. Các chiến sĩ trẻ nêu khẩu hiệu: “Phải gây ác liệt đối với quân Mỹ”, “Phải biến Tà Cơn thành địa ngục trần gian, thành lò lửa thiêu quân Mỹ trên đường số 9”. Trận địa vây lấn của các chiến sĩ ta ngày càng siết chặt. Buộc bọn chỉ huy Mỹ, dù đang bị căng ra trên khắp các chiến trường đối phó với những đợt tiến công của quân và dân trên toàn miền cũng phải tổ chức lực lượng hành quân giải toả và thay quân vào những ngày tháng tư và đầu tháng 5, để cuối cùng không chịu nổi sức ép trên chiến trường, quân Mỹ phải rút chạy vào giữa tháng 7, sau 5 tháng bị vây hãm.

Những chiến sĩ trẻ trên mặt trận đường số 9 - Khe Sanh lần đầu tiên đánh hiệp đồng binh chủng lớn, đã tỏ rõ là những thanh niên tài trí thông minh, chiến đấu ngoan cường dũng cảm. Tiêu biểu như Bùi Ngọc Dương, một thanh niên Hà Nội, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa, vào bộ đội theo tiếng gọi “Ba sẵn sàng”, anh được điều về một đơn vị công binh, từng chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào. Cuối năm 1967, đơn vị anh được lệnh trở về miền Nam chiến đấu. Nhận nhiệm vụ mở đường cho xe tăng ta tiến đánh cứ điểm làng Vây. Khi xe tăng ta vào tới trung tâm căn cứ địch thì bộ binh vẫn bị kìm chân ở ngoài hàng rào, Bùi Ngọc Dương đã xin cho đơn vị ở lại chiến đấu phối hợp với bộ đội xe tăng. Bị thương gãy cánh tay phải, anh đề nghị đồng chí tiểu đoàn trưởng chặt đứt hộ và tiếp tục kẹp AK vào nách, tựa người vào thành xe tăng bắn thẳng vào đội hình địch. Lần thứ tư bị thương nặng ở chân, không đứng dậy được, anh vẫn kiên gan chịu đựng, tiếp tục chỉ huy đơn vị. Nói về tấm gương kiên cường của anh, xã luận báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng ngày 30-3-1968 đã viết: “ở anh và trong tư thế xung phong của anh là khí phách của Lý Tự Trọng, gương sáng của La Văn Cầu, tinh thần của Phan Đình Giót, dũng khí của Nguyễn Văn Trỗi, ý chí của Nguyễn Viết Xuân, là sức bật của những dũng sĩ đường số 9: Trần Minh Nghĩa, Bùi Ngọc Đủ…”.

***

Đứng trước tình hình phát triển của sự nghiệp cách mạng, để tăng cường công tác vận động thanh niên, ngày 25 tháng 9 năm 1968 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra nghị quyết số 181-NQ/TW về công tác thanh niên.

Đánh giá về tình hình thanh niên, nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng viết: “Được Đảng ta tổ chức và lãnh đạo, được Đoàn thanh niên giáo dục, được kế thừa truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, của giai cấp công nhân ta và được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, thanh niên ta đã xứng đáng là đội quân xung kích của cánh mạng và là lực lượng hậu bị của Đảng”. Và: “Được đào tạo và rèn luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, một thế hệ thanh niên mới đang hình thành với những phẩm chất cách mạng tốt đẹp”.

Đánh giá về công tác Đoàn, nghị quyết khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, mấy năm qua Đoàn Thanh niên Lao động đã có nhiều tiến bộ trên các mặt công tác”. Nghị quyết cũng nhận định” nhiều cấp ủy Đảng đã quan tâm lãnh đạo công tác thanh vận và Đoàn Thanh niên Lao động hơn trước. Nhiều cấp ủy Đảng đã nhận thức rõ hơn về khả năng, vai trò của thanh niên và đã tăng cường lãnh đạo việc giáo dục, đào tạo thanh niên, đưa thanh niên vào hành động thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, xây dựng tổ chức Đoàn…”

Bản nghị quyết đã chỉ ra những thiếu sót của phong trào thanh niên và công tác Đoàn, đồng thời nêu lên nhiệm vụ công tác thanh niên của Đảng và công tác Đoàn Thanh niên Lao động trong tình hình mới: “Ra sức đào tạo bồi dưỡng thế hệ thanh niên mới phát triển toàn diện để giữ vững vai trò là lực lượng xung kích cách mạng đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời trở thành lớp người kế tục một cách trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, xây dựng và củng cố Đoàn thanh niên vững mạnh, thực sự là tổ chức thanh niên cộng sản, xứng đáng là cánh tay và đội hậu bị của Đảng”.

Về những nhiệm vụ cụ thể, bản nghị quyết đã nhấn mạnh phải: “Tăng cường giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thanh niên, nhằm rèn luyện, bồi dưỡng và đào tạo thế hệ thanh niên mới”, đồng thời “phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thanh niên đi đầu thực hiện mọi nhiệm vụ cách mạng của Đảng và Nhà nước”. “Hết sức quan tâm đến quyền lợi của thanh niên, phát huy vai trò làm chủ tập thể của thanh niên”, “ra sức củng cố, xây dựng Đoàn thanh niên vững mạnh và phát huy vai trò của thanh niên trong việc xây dựng Đảng” cũng như phải “Tăng cường công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng” và “công tác Trần Quốc Toản”.

Nghị quyết 181 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là một bước cụ thể hoá công tác vận động thanh niên của Đảng trong tình hình mới. Các cơ quan Đoàn đã tiến hành tổ chức cho đoàn viên học tập thấm nhuần nghị quyết của Đảng, biến thành hành động cách mạng trong lao động, chiến đấu, học tập, rèn luyện và xây dựng cuộc sống mới. Các cấp bộ Đảng quán triệt nghị quyết của Ban Bí thư đã cụ thể hoá công tác vận động thanh niên bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể, tạo điều kiện cho thanh niên phấn đấu trưởng thành. Nhiều cấp ủy Đảng đã định kỳ nghe Đoàn thanh niên báo cáo và cho ý kiến cụ thể về hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên, tổ chức để đoàn viên và thanh niên được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng.

Công tác phát triển Đảng trong thanh niên được các cấp ủy Đảng quan tâm và có nhiều biện pháp tích cực. Tỉ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng không ngừng được tăng lên, thường chiếm từ 70-75% số người được kết nạp vào Đảng hàng năm.

Phấn khởi và tự hào, đoàn viên và thanh niên ở cả hai miền Nam - Bắc không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy vai trò xung kích cách mạng, kiên cường đứng vững trên mọi trận tuyến, kể cả khi Mỹ dồn sức bình định cấp tốc, hy vọng giành lại thế chủ động trên chiến trường. Cả một thế hệ thông minh, tài trí, mang trong mình truyền thống của 4000 năm dựng nước, giữ nước đã kết thành một khối kiên quyết “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” theo lời Bác Hồ dạy, góp phần tạo ra sự thay đổi so sách lực lượng, buộc địch phải đổi hướng chiến lược và xuống thang. Ngày 1-11-1968 Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc không điều kiện và bắt đầu rút quân Mỹ về nước, thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh.

Các tin khác